Lời giới thiệu của tác giả
Những ngày thế giới ngập tràn thông tin Covid-19, cũng là những ngày chưa bao giờ tôi cảm thấy nghệ thuật đang nâng đỡ thế giới như hiện tại. Từ những công dân hát quốc ca trên ban công, những em bé vẽ hoa hồng và cầu vồng tại Italia, cho đến những chương trình chuyên nghiệp như Ballet của Nhà hát Ballet Bolshoi- Nga(*); Xiếc của Cirque du Soleil- Pháp; Opera “Bóng ma Nhà hát” của London Royal Albert Hall- Anh; Hòa nhạc online “One World- Together at home” của WHO và Global Citizen với hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi từ Paul Mccartney, Lady Gaga, Billie Eilish…
Điều tuyệt vời nhất, tất cả đều miễn phí.
Làn sóng ấy cũng đồng thời chứng minh một điều, với tất cả thế giới, từ nghệ sĩ đến khán giả, Covid-19 có thể khiến chúng ta bệnh tật, thậm chí có để đe dọa tính mạng, nhưng sẽ không bao giờ dập tắt tình yêu cuộc sống, niềm ngưỡng vọng cái đẹp và niềm tin vào tương lai của con người. Không bao giờ.
Và vì thế, chuyên mục Chuyện đẹp cũng sẽ trở lại, với bài viết về một trong những môn nghệ thuật đáng kinh ngạc nhất thế giới: Ballet.
—————————-
“Bạn cần yêu ballet để theo đuổi nó. Ballet không cho bạn thứ gì để có thể gìn giữ, không giống như văn chương có bản thảo để lưu giữ, hội họa để có tác phẩm trưng bày trong bảo tàng hay như những bài thơ được in và bán ra; Ballet không có gì ngoài khoảnh khắc thoáng qua nhưng đó là khoảnh khắc bạn thực sự cảm nhận mình đang sống”.
Merce Cunningham
Bộ môn nghệ thuật từ triều đình Ý
Cảm giác của bạn khi xem một buổi ballet như thế nào?
Khi xem những vũ công với vẻ đẹp hoàn hảo từ gương mặt, hình thể tới thần thái biểu diễn những động tác duyên dáng tưởng chừng trái tự nhiên: động tác xoay, uốn, bay người… yêu cầu thể lực và dẻo dai tối đa; nhưng khi chứng kiến lại vô cùng nhẹ nhàng và không chút gắng gượng?
Khi những điệu múa ballet hòa cùng bầu không gian xây dựng tráng lệ, phục trang lộng lẫy, ánh sáng diệu kỳ và âm nhạc đỉnh cao? Khi từng chuyển động phối hợp ăn khớp như thể tới từng giây, liên tục không chút sai sót? Cảm giác ấy thế nào?
Tôi chỉ có thể nói đó là cảm giác thăng hoa nhất khi thưởng thức nghệ thuật của mình.
Khi nói về nghệ thuật cổ điển, không thể không nhắc đến ballet, kết tinh của những giá trị truyền thống và những quy tắc cao quý được chứng minh qua thời gian.
Ngược dòng về lịch sử, múa ballet, bắt nguồn từ tiếng Pháp ballet là một loại hình vũ kịch có nguồn gốc xuất xứ từ triều đình Ý và được phát triển tại Pháp, Nga, Mỹ và Anh thành dạng múa phối hợp. Đây là một dạng múa kỹ thuật hình thể với ngôn từ riêng của mình. Loại hình nghệ thuật này có tầm ảnh hưởng toàn cầu và được giảng dạy ở các trường múa trên khắp thế giới. Múa ballet được dàn dựng bao gồm nhạc (được dàn nhạc biểu diễn nhưng đôi khi được ca sĩ hát), lời ca và diễn xuất của dàn múa. Loại hình biểu diễn ballet cổ điển nổi tiếng nhất là ballet cổ điển với động tác uyển chuyển và chính xác. Sau này biến thể của ballet cổ điển có mua ballet tân cổ điển và múa ballet đương đại.
Về mặt từ nguyên, từ ba- lê trong tiếng Việt lấy từ tiếng Pháp “ballet”, từ tiếng Pháp này cũng được tiếng Anh vay mượn vào khoảng thế kỷ 17. Nguyên gốc của ballet là từ tiếng Ý balletto, một dạng nói giảm của ballo (múa). Ballet lại có từ nguyên sâu xa hơn từ tiếng Latin ballere, có nghĩa là múa.
Nước Ý là quê hương của hát opera, ballet Ý thời Phục Hưng ra đời nhằm phục vụ cho các lễ cưới hoàng gia và của tầng lớp quý tộc. Trong giai đoạn này, người châu Âu đặc biệt quan tâm đến học vấn và các loại hình nghệ thuật. Cùng lúc đó, thương mại và buôn bán cũng rất phát triển, các thành phố của Ý trở thành những trung tâm nghệ thuật cũng như thương mại của châu Âu.
Catherine de Medicis, người Florence, kết hôn với Henry II, trở thành hoàng hậu của nước Pháp vào năm 1547. Bà đã giới thiệu tới triều đình Pháp loại hình giải trí được biết đến tại Italia. Năm 1661, Louis XIV thành lập Học viện Múa Hoàng gia nhằm đào tạo các vũ công chuyên nghiệp để biểu diễn cho ông và triều đình. Thời này chỉ có nam vũ công. Để thể hiện các vai nữ, các diễn viên nam sẽ mặc trang phục nữ, đeo mặt nạ và đội tóc giả. Chỉ đến với ballet The Triumph of Love năm 1681 nữ vũ công mới bắt đầu tham gia vào ballet.
Và bắt đầu từ đây, ballet bước ra từ các sự kiện hoàng gia trở thành bộ môn nghệ thuật đỉnh cao toàn cầu.
Đến đỉnh cao nghệ thuật toàn cầu
Từ mô hình của Pháp, trường ballet Hoàng gia Nga (Russian Imperial Ballet- hiện nay là Kirov Ballet) được thành lập năm 1738 tại St. Peterburg, sau này trở thành một trong số học viện ballet vĩ đại nhất thế giới, và đoàn Ballet Hoàng gia Đan Mạch năm 1748. Ballet thời kỳ lãng mạn coi phụ nữ là thực thể lý tưởng và lần đầu tiên trong lịch sử ballet, họ được trao cho một vị trí quan trọng hơn hẳn so với nam giới. Nam diễn viên chỉ có vai trò phụ trên sân khâu nhằm nâng đỡ cho các ballerina và cho khán giả thấy họ không trọng lượng ra sao.
Sau năm 1850, ba-lê tại Pháp rơi vào thời kỳ thoái trào, trong khi lại thăng hoa tại Nga, nhờ vào sự đóng góp của những bậc thầy ba-lê như August Bournonville, Jules Perrot, Arthur Saint- Léon…
Nửa sau thế kỷ 19, trung tâm thế giới ballet chuyển từ Pháp sang Nga. Một trong những người tạo ra kỷ nguyên vàng cho trường ballet Hoàng gia Nga và đóng vai trò lớn trong việc biến St. Petersburg trở thành kinh đô của ballet thế giới là Marius Petipa. Đoàn ballet của St. Petersburg là nơi đào tạo ra những diễn viên ballet vĩ đại nhất của mọi thời, trong đó nổi bật lên là cái tên Anna Pavlova.
Khi thưởng thức các vở ballet kinh điển như Hồ thiên nga, Kẹp hạt dẻ, Người đẹp ngủ trong rừng, Romeo & Juliet hay bất cứ tác phẩm nào, ta có thể cảm nhận sự kỳ diệu của ballet. Là bộ môn nghệ thuật sân khấu kết hợp hoàn hảo giữa múa, mỹ thuật và âm nhạc. Những tính toán tỉ mỉ từ ánh sáng, màu sắc, ngôn ngữ hình thể trên nền nhạc cổ điển, kết hợp với sự sáng tạo vô biên của đạo diễn, biên đạo và diễn viên khiến ballet trở thành bộ môn nghệ thuật bác học đỉnh cao, nền tảng cho nhiều môn nghệ thuật khác.
Ở ballet, người xem thấy rõ ràng sự tỉ mỉ, bay bổng, chuẩn mực, cảm giác thanh cao và vô cùng sang trọng. Với động tác uyển chuyển, điêu luyện cùng hình thể làm say đắm người xem, những nghệ sĩ ballet với vẻ đẹp như tạc tượng như hòa mình vào âm nhạc đem đến cho người xem những bức tranh và câu chuyện tuyệt đẹp đến không tưởng.
Sau ánh hào quang
Để tạo nên vẻ đẹp tuyệt mỹ của ballet, không thể không nhắc đến phần đóng góp quan trọng của các vũ công. Có nhiều bộ môn nghệ thuật bạn có thể bắt đầu muộn, hay thăng hoa dựa vào tài năng xuất chúng, nhưng với ballet điều đó dường như bất khả thi.
Người ta nói, ballet không phải là một trò đùa. Trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ không có bộ môn nghệ thuật mang tính kỷ luật cao, đòi hỏi diễn viên phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đầu tư thời gian dài học tập, với chế độ tập luyện gian nan, ăn uống khắc nghiệt và yêu cầu sự chính xác hoàn hảo như ballet.
Theo các nghệ sĩ múa ballet có nghề, để trở thành một nghệ sĩ múa ballet là một điều không dễ. Những học sinh học múa ballet phải dành ít nhất 4 đến 6 giờ cho việc tập luyện. Vì đặc thù công việc, các vũ công luôn phải sử dụng đôi giày mũi cứng, tư thế bàn chân luôn trong tình trạng đứng bằng mũi chân. Trọng lượng cơ thể đè nặng vào phần đầu các ngón chân đã khiến từng vũ công một phải mang trên mình đôi bàn chân dị dạng, chai sần. Thế nhưng những vết chai này lại là thứ duy nhất khiến đôi chân của các vũ công không bị phồng rộp đau đớn khi thực hiện các động tác múa khó nhằn. Người ta khen các vũ công có cơ thể của những con thiên nga, nhưng thực chất, họ là những con thiên nga mang đôi chân của quỷ dữ.
Không chỉ vất vả trong tập luyện mà chế độ ăn uống để giữ hình thể đối với diễn viên múa vô cùng nghiêm ngặt. Ngoài ra, chuyện bong gân, trật cổ chân, rướm máu, viêm kẽ ngón, sưng phồng do tập luyện thường là chuyện thường ngày với họ. Thậm chí nếu chân không có những đặc điểm này, nghệ sĩ múa ballet chỉ được xem là dân nghiệp dư.
Giờ làm việc của nghệ sĩ ba lê kéo dài vô tận, hiếm có thời gian nghỉ ngơi. Tính kỉ luật nghiêm khắc trong nghề, chỉ cần vắng 1 buổi hoặc đi trễ cũng đã có nguy cơ bị đuổi. Không chỉ vậy, nghệ sĩ ballet còn bị áp lực rất lớn về thể chất, đặc biệt vấn đề cân nặng. Bộ môn ba lê yêu cầu nữ nghệ sĩ múa có gương mặt xinh đẹp, thân hình gầy gò và nam vũ công điển trai đồng thời cũng “siêu mỏng”. Từ bé, các cô gái trong trường múa đã được dạy cần giữ một thân hình mảnh dẻ- cơ sở để có đường nét đẹp và ấn tượng nhẹ nhàng trên sân khấu, ngoài ra, còn phải đảm bảo để nam diễn viên nâng mình lên với đôi tay vươn thẳng. Đã từng có trường hợp một nữ vũ công bị đuổi khỏi đoàn chỉ vì “quá nặng” với số cân 49kg.
Bên cạnh đó, ba lê là môn thể thao duy nhất mà các vận động viên phải giả vờ rằng các cơ bắp trên người họ không nhói đau. Không chỉ che giấu nỗi đau, nghệ sĩ ballet còn phải truyền tải cảm giác bình thản, thăng hoa qua những vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển của mình. Và mặc dù chịu đựng nhiều áp lực như vậy song các vũ công ba lê chỉ được nhận thu nhập thấp hơn rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác và đối mặt với tương lai giải nghệ sớm.
Tuy nhiên, bất chấp những đau đớn, áp lực, khó khăn của môn nghệ thuật đáng kinh ngạc này, chúng ta vẫn không ngừng thấy các vũ công tiếp tục nhảy múa trên đôi chân đầy thương tích, sân khấu các nhà hát vẫn sáng đèn, ngày càng lộng lẫy và khán giả vẫn không ngừng đắm say trước “phép màu” của ballet.
Bởi như Merce Cunningham đã từng chia sẻ, và tôi tin bất cứ ai đã lỡ mang tình yêu với ballet:
Hơn cả một bộ môn nghệ thuật, ballet đã trở thành lẽ sống và linh hồn của họ.
Và chỉ cần như thế là đủ!
Linh Đàm
Chú thích:
(*) Lịch biểu diễn Ballet của nhà hát Ballet Bolshoi Nga vẫn đang tiếp tục từ 21.04 đến 11.05.2020 với các tác phẩm kinh điển, miễn phí trên Youtube Channel của nhà hát.
Đồng thời, Nhà hát Hoàng gia Anh Royal Opera House cũng đang liên tục công chiếu các tác phẩm cả ballet và các môn nghệ thuật khác để đồng hành cùng với khán giả khắp thế giới trong suốt dại dịch Covid-19 với thông điệp “#OurHousetoYourHouse”.
Thông tin chi tiết kênh Youtube của hai nhà hát:
https://www.youtube.com/user/bolshoi
https://www.youtube.com/user/RoyalOperaHouse
Bài viết gốc: Chuyện đẹp giữa mùa Covid: Hơn cả Ballet– CafeBiz, Tháng 4/2020