Lời đề từ tháng 8/2020:
Những bài viết hiếm hoi phân tích về tài chính giai đoạn 2012 nhưng thực ra vẫn khá liên quan đến tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại. Câu hỏi đặt ra là, bao giờ Việt Nam mới thành ngôi sao “lên hẳn” chứ không còn mãi “đang lên” nữa?
—————————————
2012 chỉ còn lại một quý nhưng là quý quan trọng nhất, đồng thời là tiền đề cho những năm sau. Nhưng dù tin hay không, thì nền kinh tế vẫn đang vận động đúng theo xu thế của nó.
Nền kinh tế Việt Nam đã và đang trong giai đoạn khó khăn. Lạm phát dù đã nỗ lực kìm cương nhưng đột nhiên bùng phát vào cuối quý III. GDP dù tăng trưởng khá nhanh theo các quý nhưng vẫn ở dưới mức dự báo ban đầu. Một nhà đầu tư, độc giả đã viết bài gửi CafeF thể hiện những nghĩ suy về kinh tế nước nhà hiện nay. CafeF đăng nguyên văn bài viết của độc giả này.
2007, giữa lúc thế giới điêu đứng vì bong bóng BĐS, hàng loạt vụ phá sản các ngân hàng đầu tư, số liệu nợ công khổng lồ của các “cường quốc”… thì Việt Nam được coi như một “ngôi sao đang lên” tại châu Á.
Đầu tiên là sự kiện gia nhập WTO, tiếp theo là thị trường chứng khoán thăng hoa trên 1000 điểm dù tuổi đời non trẻ, làn sóng FDI mạnh mẽ, những thống kê GDP, CPI… đủ khiến nhiều nền kinh tế phát triển khác phải thèm thuồng…
2012, sau 5 năm, nhiều dấu hiệu phục hồi tuy còn yếu ớt phát đi từ Mỹ, Nhật Trung… ngồi lại với bất kỳ người Việt nào- người dân của quốc gia có chỉ số lạc quan xếp hàng top toàn cầu, không khó để nhận ra những bi quan…
Nền kinh tế “chín tháng”
Thông thường, dựa vào số liệu ¾ quý người ta đã có thể dự đoán về tình hình chung cả năm. Tuy nhiên, với 9 tháng đã qua, không nhiều con số đảm bảo được kinh tế Việt Nam có thể “đúc rồng” cho 2013 và kể cả những năm tiếp theo:
4.73% cho GDP 3 quý, 9.96% cho lạm phát, chứng khoán chốt phiên ở 390 điểm sàn HCM và 55 điểm sàn HN, hơn 26 ngàn doanh nghiệp đã phá sản, tỷ lệ nợ xấu 8.6% tính theo phương pháp của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 2.3% trong khi 2010 và 2011 lần lượt là 28% và 11%…
Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn: Kinh tế Việt Nam đang xấu đều trên nhiều khía cạnh, bất chấp mọi nỗ lực của Chính phủ và Doanh nghiệp.
Mặc nhiên, chúng ta không phủ nhận ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu cộng hệ lụy của những năm Chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải thành thật thấy rằng, không ít do những yếu kém từ nội tại kinh tế Việt Nam:
“Cú đấm thép” của nền kinh tế- các Doanh nghiệp Nhà nước là minh chứng rất rõ về mô thức “quá lớn để đổ vỡ” vẫn tồn tại. Câu chuyện về hơn 86,000 tỷ của Vinashin, hơn 43,000 tỷ của Vinaline nếu đã cũ thì hiện nay, những cái mới từ đầu tư trái ngành của EVN, PVX, những chằng chịt sở hữu giữa các tập đoàn cũng khiến bao người nhức nhối. Chưa cần đi sâu chi tiết, con số ICOR của DNNN gấp đôi DN tư nhân đủ cho thấy hiệu quả đầu tư của khu vực này và khơi lên những dấu hỏi lớn?
Bên cạnh đó, theo đuổi tăng trưởng là tốt, nhưng nền kinh tế “mới ra ràng” như Việt Nam thiết nghĩ vẫn cần có những ổn định vĩ mô trước khi đủ tiền lực cho những “bước ngoặt”. Lạm phát nhiều năm trên 2 con số và vẫn rình rập trong 2012 đủ sức bào mòn niềm tin của DN lẫn người dân. Trong khi tỷ lệ lợi nhuận xoay quanh 10- 15% thì thực tế DN vẫn phải đi vay với lãi suất 15- 18%. Rồi trong 2.3% tăng lên của tín dụng, sự thật, không nhiều dùng vào đầu tư sản xuất mà chủ yếu để đảo nợ, mà người ta hay dùng cụm từ mỹ miều là “tái cơ cấu”. Dễ hiểu, DN vay làm gì khi thị trường đóng băng và chỉ số tồn kho vẫn ở mức rất cao. Tới mức đại diện hội DN trẻ HN phải chua chát: “Hội DN chúng tôi “chết” gần hết rồi!!!”
Doanh nghiệp “chết”, nợ hóa “xấu” là điều dễ hiểu. Nhưng cũng chẳng ở đâu như Việt Nam, khi tại nhiều Ngân hàng, cổ đông lớn nhất đồng thời là khách hàng lớn nhất… như đã thấy ở nhiều Ngân hàng.
Chưa kể những “trồi sụt” của thị trường vàng, những “ảm đạm” của chứng khoán và bất động sản.. mà người viết đã đắn đo không liệt kê ở đây, để bớt đi những “nhíu mày” cho ¼ còn lại của 2012 và những ¼ xa hơn…
Nhưng thử hỏi những gạch đầu dòng trên đây, sẽ khắc họa một hình ảnh Việt Nam như thế nào?
Chỉ còn lại một quý…
2012 chỉ còn lại một quý nhưng là quý quan trọng nhất, đồng thời là tiền đề cho những năm sau. Nhưng dù tin hay không, thì nền kinh tế vẫn đang vận động đúng theo xu thế của nó:
Nhiều báo cáo vẫn tiếp tục hứa hẹn, vỗ về NĐT nước ngoài hãy đầu tư vào Việt Nam. (Dù sự thật, số NĐT nước ngoài đến VN để thăm dò nhiều hơn số bỏ tiền vào đầu tư). Thậm chí, nhiều quỹ từng ồ ạt đầu tư giai đoạn 2005- 2007 tới nay cũng phải xem xét chuyện thoái vốn hay thu hẹp quy mô hoạt động.
Những hồ sơ xin giải thể, phá sản doanh nghiệp vẫn nộp đều tại sở KHĐT. Và danh sách cổ phiếu hủy niêm yết vẫn kéo dài…
Rõ ràng, nếu lãi suất vẫn không giảm, tín dụng không khơi thông, lạm phát không được ưu tiên thay vì tăng trưởng, trọng tâm nền kinh tế không đặt vào khối doanh nghiệp dân doanh, “lợi ích nhóm” không được hạn chế, “nợ xấu” không tìm được lối thoát,… thì chúng ta sẽ vẫn còn tiếp tục “bế tắc” trong việc tạo dựng hình ảnh Việt Nam “tiềm năng, hứa hẹn” trong mắt chính người dân Việt, chưa kể trong mắt các nhà đầu tư và tổ chức uy tín thế giới!
Tôi nhớ đầu năm, dự hội thảo “ Triển vọng 2012”, tiến sĩ Võ Trí Thành đã dự đoán kinh tế Việt Nam bằng hai chữ “ảm đạm”.
Tới giờ, dường như hai chữ ấy vẫn nguyên vẹn đúng!
Nhưng ảm đạm đến mấy, nếu tiếp tục khoanh tay đứng nhìn, sẽ thành ra làm khó các vị chuyên gia tìm từ mới cho năm mới 2013. Bởi ít nhất, bên cạnh Vinashin, Vinaline… vẫn còn những Vinamilk, Viettel, cà phê Trung Nguyên… với số liệu doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng bền vững, bất chấp những khó khăn và ảm đạm đã và sẽ kéo dài.
Thì chúng ta còn có quyền tin vào chuyện “ngôi sao đang lên” Việt Nam, thay vì “ đang đi xuống, đi sâu vào một cuộc suy thoái mới” sẽ “ đi lên” và thậm chí là “ tỏa sáng” hơn nữa.
Biết đâu!!!
Linh Đàm
Bài viết gốc: Việt Nam trong mắt tôi– CafeF, Tháng 10/2012