Marketing What Matters

[WM EP4] 30.000 giờ làm Marketing, dạy tôi điều gì?

Khi thế giới xung quanh ngày càng trở nên ồn ào, đôi khi chỉ vì công cụ AI mới, màn trình diễn lạ của vị Chủ tịch hay giải thưởng ẩm thực mới gia nhập; Khi con người có vẻ chán sự bình thường và đói sự “khác thường”; Khi bất ổn và vô định trở thành trạng thái hiển nhiên tới mức nhiều người bạn chia sẻ với Linh nỗi hoang mang về tương lai phía trước… Ấy là lúc, Linh càng có nhu cầu tự thân, muốn đi xuyên qua những tiếng vọng.

Lời nhắc của người thầy năm xưa, luôn trở về đúng lúc:

Em sợ hãi hoặc bị cuốn theo, bởi vì em không đủ hiểu biết nên nảy sinh cảm giác không thể kiểm soát. Nhưng nếu em đủ hiểu biết, em sẽ không sợ hãi hay thấy mình bị cuốn theo nữa.

Bạn thân mến, dù chính Linh trong EP1 của WHAT MATTERS từng chia sẻ: Ví dụ như với ChatGPT, đó là một công cụ có thể giúp tương lai Marketing thay đổi, điều đó cũng không có nghĩa, một mình công cụ ấy có thể thay đổi thế giới. Tương tự, một buổi trình diễn hay một giải thưởng, nó khác biệt, gây tranh cãi, đáng để bàn luận, nhưng có nên chỉ dừng lại ở đó?

Hãy bình tâm, để tin rằng nếu cẩn trọng cân nhắc, ta có đủ hiểu biết cơ bản về những “câu chuyện này”. Đủ, để không nên sợ hoặc để mình bị cuốn theo (Mà tại sao phải đúng không?). Đủ, để không nên bị phân tán bởi những ồn ào. Đủ, để biết sau những lôi cuốn nhất thời, đâu mới là điều ý nghĩa để hướng sự tập trung của mình.

Linh không biết điều gì là ý nghĩa nhất với bạn? Riêng với Linh, còn điều gì ý nghĩa hơn thứ Linh đã lựa chọn làm mỗi ngày, cả đời, ví dụ như Marketing.

Và đó chính là câu chuyện Linh muốn trò chuyện với bạn, trong EP4 này, của WHAT MATTERS.

Mặc dù đây là một câu chuyện hoàn toàn cá nhân, với những soi chiếu riêng tư; nhưng nếu có thể chia sẻ ba bài học lớn nhất, về 30.000 giờ làm nghề của Linh với bạn, thì nó sẽ là ba điều này:

NGHIÊM TÚC

Bài học đầu tiên, hiển nhiên đến mức độ, đôi khi chúng ta dường như quên mất. Marketing với đặc thù có những framework nhất định khiến ta nghĩ, có thể áp dụng công thức để làm nghề. Điều đó không sai. Nhưng không chỉ với marketing mà với bất kỳ công việc nào, mong bạn đừng quên: Chỉ có nghiêm túc, mới tạo ra giá trị thực sự. Hời hợt, chỉ tạo ra rác. Nó làm Linh nhớ tới câu chuyện của một người bạn, khi đề xuất bạn gửi lên BOD nhận lại phản hồi thế này:

“Các em đừng gửi rác cho anh nữa!”

Xin chào, đây là thế giới kinh doanh. Và bạn mơ mộng bao nhiêu, tự tin bao nhiêu- thì thực tế cũng thẳng thắn và ngắn gọn bấy nhiêu. Bộ kỹ thuật mà chúng ta có để làm nghề, chỉ sáng nay thức dậy thôi, có thể đã bớt hiệu quả rồi. Vì vậy, nghiêm túc ở đây, có nghĩa không hời hợt trong việc làm nghề, trong việc học, trong việc bồi đắp trải nghiệm sống để tạo ra sản phẩm marketing giá trị.

Câu hỏi đừng nên là “Ồ, mình đang bận làm kế hoạch ra mắt sản phẩm mới, nhưng ChatGPT hay quá, phải ngừng lại cập nhật chứ?”.

Câu hỏi nên là, xuyên suốt “Điều gì, làm câu chuyện của mình khác biệt và giá trị?”. Và luôn cần bắt đầu từ câu hỏi cốt lõi ấy, để đặt tối thiểu 100% trách nhiệm của mình, cũng như trả lời thấu đáo nó.

Bởi nếu câu chuyện bạn kể, giống câu chuyện hay hơn đã có sẵn, khán giả quan tâm đến bạn làm gì?

Mà muốn tạo ra sự khác biệt, lười là chống chỉ định.

Nhưng chỉ nghiêm túc để làm, để học, để sống, để không lười biếng, vẫn là chưa đủ.

Nghiêm túc, còn là để hướng ra bên ngoài: Xỏ đôi chân mình, vào đôi giày của khách hàng. Ở đấy, hiểu hơn nỗi đau, mối quan tâm, giấc mơ sâu kín của những người mình trao giá trị. Nhưng cũng để đeo trên vai mình, gánh nặng của chủ doanh nghiệp: Áp lực của họ, cạnh tranh họ phải đối diện. Dòng tiền họ phải duy trì. Những thứ không dễ để định nghĩa khi làm kinh doanh ở một thị trường đang phát triển với nhiều đặc thù.

Và đồng thời nghiêm túc, để trở vào bên trong: Lắng nghe tiếng nói của mình, rằng nếu đây là sản phẩm phản ánh chính con người mình, bạn muốn để lại dấu ấn gì. Tất cả, không chỉ đóng khung trong phạm vi của riêng Marketing, mà kết nối chặt chẽ đến độ chỉ một phút giây hời hợt thôi, cũng domino trong quá trình “tra tấn” thế giới thêm với thêm một sản phẩm Marketing rác.

Mà chúng ta hẳn đồng ý với nhau, thế giới, không cần thêm rác.

KIÊN ĐỊNH

Kiên định, trong suy nghĩ của Linh, đơn là là kiên trì- với ý định của mình.

Bởi điều này lại cliche, nhưng Marketing đâu phải chỉ là một con đường trải đầy hoa hồng. Để có những sự kiện hào nhoáng, là bao nhiêu đêm thức trắng. Để tìm ra được một insight đắt giá, là biết bao nhiêu bản nháp đã xé tan tành không thương tiếc. Mùa bận rộn thì mải miết, mùa vắng vẻ thì ngồi vắt óc lên chiến lược và kế hoạch. Với những ngành đã ổn định thì đau đầu tìm ý tưởng sáng tạo giúp thúc đẩy doanh số bão hòa. Với những ngành mới thì cân nhắc từng đồng ngân sách để không xót xa khi “đầu tư” vào thương hiệu, nhận diện, giáo dục thị trường.

Mà có ngành nào, đào thải nhanh như Marketing?

Thăng hoa, hạnh phúc nhiều bao nhiêu, khó khăn và tổn thương cũng không kém cạnh. Trong những ngày những câu hỏi lẫn nghi ngờ hiện lên, Linh đã tự hỏi, nếu không bền bỉ, không tỉnh táo, liệu mỗi marketer có thể tiếp tục đi và phát triển trên con đường ấy hay không?

Nhưng kiên định, không chỉ là kiên trì, hay bền bỉ. Kiên định – cũng có nghĩa là tin. Thậm chí tin đến sâu sắc. Rằng những thất bại, hay thành công không phải là thứ duy nhất định hình nên bạn. Rằng nếu bản thân nghiêm túc, kiên tâm, những cố gắng sẽ đem đến giá trị- không ít thì nhiều.

Và Marketing lúc nào cũng thú vị? Xin trả lời rành rọt luôn: Không. Nhưng kể cả vượt qua nỗi chán nản, cũng cần đến kiên định. Okay, mình là con người- một người bình thường. Sẽ có những lúc, cần kỷ luật. Nhưng có những lúc cũng đừng khắt khe quá với bản thân. Tạm dừng một chút cũng được. Để hít thở một hơi thật sâu. Rồi quay lại, đối diện vấn đề, chậm rãi gỡ từng nút thắt- và kiên quyết không từ bỏ.

Nếu có thêm một thứ cần nhớ về bài học kiên định, đó cũng có nghĩa là TẬP TRUNG.

Kiên định, với những ưu tiên chứ không ôm đồm, ngó nghiêng hay tham lam.

Mà tập trung làm cho xuể, cho tới, cho ra, cho đã.

Và tin về chuyện, dù sao vẫn cần tiếp tục đi. Ngã, đứng lên đi tiếp. Ở trên một thành tựu, nhận thức về nó nhưng đừng ngủ quên mà hãy tiếp tục đi. Thế giới, vẫn là VUCA chứ không phải bây giờ mới VUCA.

Đi tiếp đi, và đừng quên luôn tận hưởng hành trình.

YÊU

Chúng ta, có đang lạm dụng hai chữ “Đam mê”? Đam mê sống, đam mê làm, đam mê yêu. Với Linh, có lẽ không cần tới mức phải đam mê. Yêu đã là đủ.

Bởi nếu yêu, sẽ chú tâm.

“Be mindful” vẫn là từ khoá trending những năm gần đây. Nhưng ý nghĩa thực tế của nó, không phải chỉ sáo rỗng như một trào lưu. Chú tâm thực sự, đáng giá. Có những lúc, Linh đã chú tâm vào công việc đến độ, quên hết xung quanh. Không biết bao nhiêu lần, người thân, đồng nghiệp hỏi Linh mỗi khi chú tâm, sao mặt mũi tái mét thất thần vậy. Tưởng tụt huyết áp. Không, tụt hết bộ “vi xử lý” đầu vì vừa xới tung hết lên về doanh nghiệp, sản phẩm, thị trường và đối thủ thôi chứ có quên miếng ăn nào đâu. :)))

Xới tung rồi, lại ngồi gạn lọc từ những ồn ào. Để tìm ra cốt lõi lấp lánh như đá quý.

Và cảm giác lúc đó mới “thoả mãn nghề nghiệp” làm sao.

Yêu, để đi tới tận bản chất thay vì “khuấy” hời hợt vỏ bề ngoài. Mà đi vào chiều sâu. Bởi, 30.000 giờ cũng là khoảng thời gian Linh và nhiều bạn bè, tự mình đã phải “tiêu hoá” không ít các sản phẩm marketing với nhiều thang bậc về chất lượng. Như một đầu bếp, hãy luôn cố gắng để “nấu” một món ăn ngon thay vì đồ ăn nhanh công nghiệp. Hoặc đừng gọi đồ ship dù có là “fine dining” về nhưng lại nhận đấy là mình nấu vì chỉ thêm chút decor. Như thế nó sến lắm. Cũng đừng thoả hiệp với “cheap content”. “Fun” thì được. 🙂

Và rằng bản thân ta cùng sự nghiệp, cũng là một mối quan hệ. Một mối quan hệ như bất kỳ mối quan hệ nào- cần được ngồi xuống, cần được thấu hiểu, bao dung và mở lòng để tình yêu lớn lên. Thứ tình yêu, đến từ niềm vui công việc. Hoặc thứ tình yêu, đến từ việc đã chọn ở lại, sau tất cả cô độc, hoài nghi, hay đáy vực trải qua cùng con đường làm nghề.

Khi viết đến những dòng này, bài học 30.000 giờ làm Marketing của Linh đã thu nhỏ lại bằng ba chữ “NGHIÊM TÚC” – “KIÊN ĐỊNH” – “YÊU”. Vậy thôi. Đúng, vậy thôi mà Linh mất 16 năm và 30.000 giờ để ngấm. Và sẽ còn phải học tiếp. Để thêm những chữ khác, bài học khác- những bài học mà đôi khi, phải đặt chính mình ở trong hành trình, mới thấm thía.

30.000 giờ, chẳng phải một chặng đường dài. Nhưng cũng không hề ngắn với Linh. Ngoài kia, cũng còn rất nhiều marketers với những hành trình đặc biệt khác. Dẫu vậy, nếu để từ trải nghiệm 30.000 giờ này, gửi đến bạn một chia sẻ giản dị- thì nó là đây:

Nếu bạn có thể NGHIÊM TÚC, KIÊN ĐỊNH và YÊU một điều gì đó (không chỉ Marketing), hãy tin rằng sẽ không lâu đâu- tới lúc bạn hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Những thứ khác, trên đường đi của bạn- sẽ tự đến!

Hy vọng câu chuyện 30.000 giờ và ba bài học của Linh có thể giúp hành trình Marketing của bạn trọn vẹn hơn. Hoặc ai mà biết được- là truyền cảm hứng để bạn yêu hơn hành trình mà ta đã chọn này. 

Còn bạn thì sao, với hàng ngàn giờ sự nghiệp của bạn- bạn muốn chia sẻ bài học gì?

Linh Đàm

—————————————————–

Bài viết thuộc Series WHAT MATTERS – Lên sóng định kỳ vào 9PM thứ Tư, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, chia sẻ các câu chuyện về Marketing, Nghệ thuật, Cuộc sống tới 20.000 độc giả. Chuyên mục do Ekip Linhdam.Co ra mắt ngày 01.02.2023- dự án đầu tiên và xuyên suốt của Blog từ 2023.

Bản quyền Linhdam.Co. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc emily.damtn@gmail.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��