Life

Điều quan trọng nhất của Giáng sinh?

Lễ Giáng sinh của bạn với bạn là gì?

Là cảm giác hạnh phúc khi nhận món quà của người thân, ngập chìm trong không khí sôi động của mùa lễ, chếnh choáng vì mulled wine, gà Tây, bánh quy gừng, fruit cake, mãn nguyện vì thành tích bạn có sau một năm, vì khoản tích lũy đủ để bạn nỗ lực vun đăp…?

Hay căng thẳng vì không thể tặng quà ai, quà chưa “đủ” như ý, cảm giác buồn chán khi không thấy mình trong newsfeed giáng sinh lung linh, áp lực trước nhiều thách thức của “thời đại Covid”. Hoặc với nhiều người khi vừa trải qua mất mát, khoảnh khắc sum họp của người khác, đôi khi lại là vết cứa khiến họ thêm tổn thương.

Nhưng có bao giờ bạn tự nghĩ:

Điều quan trọng nhất của Giáng sinh, hay những lễ hội, với bạn là gì?

Khởi nguồn của Giáng sinh

Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa Giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”) là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Giê-su thành Nazareth sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc Giáo. Họ tin là Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của nước Do Thái, lúc bấy giờ đang dưới quyền thống trị của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN và năm 6.

Ngày Noel cũng là một thông điệp của hoà bình: “Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế” – đây là câu được hát bởi những thiên thần báo tin sự xuất hiện của vị cứu thế và Noel cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…

Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, Giáng sinh là một ngày lễ gia đình, một ngày đặc quyền để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình. Lễ này dưới mọi hình thức được biểu lộ, tạo những kỷ niệm chung và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình theo cách riêng của mỗi người: chia sẻ với nhau một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe thuật lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây thông Noël…

Giáng sinh của thế kỷ mới

Judith Flanders, sử gia với nhiều cuốn sách bán chạy của New York Times, đã từng chia sẻ tìm hiểu về trào lưu Giáng sinh trong cuốn sách mới nhất của bà Christmas: A Biography (tạm dịch: Giáng sinh: một tiểu sử): Tục lệ tặng quà bắt đầu bằng việc những người giàu có, chủ lao động và giới quý tộc bố thí cho những kẻ nghèo khổ, người làm công, người hầu… mỗi dịp lễ. Phải tới đầu thế kỷ 19, phong tục tặng quà mới dần mất đi tính chất đẳng cấp để nhấn mạnh vào gia đình: cha mẹ tặng cho con cái sách vở, đồ ăn, đồ chơi…

Tuy nhiên, theo Flanders, điều trớ trêu là tầm quan trọng về văn hóa của Giáng sinh tăng lên gấp bội vào thế kỷ 20, chủ yếu vì sự lớn mạnh của chủ nghĩa tiêu dùng: Noel trở thành một ngày lễ quốc tế với biểu tượng Santa Claus và cây thông Noel khắp mọi nơi. Người người nhà nhà mua sắm, đôi khi cả những thứ không cần thiết.

Với vị thế ngày càng được coi trọng của trẻ nhỏ trong gia đình, Noel cũng trở thành một buổi lễ được mong đợi của trẻ em: Một đêm thần diệu mà hầu như tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật trong sự sung sướng của những người lớn. Việc tổ chức Giáng sinh cũng ngày càng trở nên linh đình, thậm chí trở thành quy chuẩn để thể hiện sự giàu có.

Về mặt thương mại, các đại gia bán lẻ dựa vào đó đua nhau tung ra các chương trình ưu đãi, kích cầu, giảm giá, flash sale… đôi khi quá mức người tiêu dùng cần với đủ các lý do cho Giáng sinh, vượt lên những ý nghĩa xa xưa, cổ truyền và nhân văn của ngày lễ này.

Thậm chí, xung quanh lễ Giáng sinh ở thời hiện đại là ngày Thứ sáu đen tối, rồi Thứ hai đồ điện tử, Thứ bảy doanh nghiệp vừa và nhỏ, tất cả chỉ với mục đích kích thích mọi người mua sắm. Dịp lễ quan trọng nhất trong năm của nhiều nước đã trở thành chủ yếu là một dịp làm ăn lớn.

Huffington Post từng bình luận về hiện tượng mua sắm quá mức này: “Nó cho thấy cảm nhận của chúng ta rằng sự giàu có vật chất là bắt buộc. Những thứ chúng ta chỉ muốn lại trở thành những thứ chúng ta cần. Nhu cầu chi tiêu và mua sắm đó, nhất là vào dịp lễ, gây ra nhiều cảnh tượng xấu xí ở các cửa hàng Walmart và không khỏi khiến chúng ta phải tự đặt ra nhiều câu hỏi:

Tại sao ăn mừng một dịp lễ truyền thống lại phải tốn kém như thế? Tại sao ta phải cần đủ thứ thì mới hạnh phúc?”.

Vậy mừng Giáng sinh theo cách nào mới hạnh phúc?

Đức Thánh Cha từng cảnh cáo: “Có một nguy hiểm làm tê liệt trái tim, đó là dựa trên sự tiêu thụ, để cho mình trở nên nặng nề và con tim bị mệt mỏi bởi các nhu cầu.” “Ngày nay người ta sống vì vật chất mà không biết nó là gì; có nhiều của cải mà không làm điều tốt nữa, các ngôi nhà đầy của cải nhưng thiếu vắng con cái. Người ta phí phạm thời giờ trong những trò tiêu khiển nhưng không có giờ dành cho Chúa và cho tha nhân.” 

Vậy nên, với tác giả viết bài viết này, Giáng sinh về cơ bản là ngày- làm- những- gì- mình-thích. Dậy muộn như một chú mèo lười và thảnh thơi bắt đầu một ngày mới. Ăn những món đồ bạn luôn thích ăn…

Nghe những bản nhạc mình yêu thích một cách ngẫu nhiên và để cho mình cảm nhận rõ ràng việc mình đang sống, thật chậm. Ngừng trả lời tất cả tin nhắn, thông báo từ điện thoại, messenger, zalo, viber, email cá nhân, email công việc, instagram, linkedin… Ngừng check thông báo từ Spotify, Netflix, Facebook, Sounclound, Pinterest, Google… uhum liệt kê ra mới thấy giờ mình bận rộn một cách nhiều khi… không thực sự ý nghĩa đến thế nào.

Nếu muốn ăn mừng Giáng sinh một cách chân thực, chúng ta cần ngẫm nghĩ dấu hiệu này: sự giản đơn mong manh của một em bé mới ra đời, sự đơn sơ của nơi mà em bé đó nằm, tình yêu dịu dàng của những quần áo tầm thường. Chúa ở đấy thôi

Giáo hoàng Francis

Và ngay giữa lúc tưởng như bản thân vô ích đó, tác giả trở nên thấu suốt hơn bởi ý nghĩa của Giáng sinh, đồng thời thấy nó đẹp thế nào. Một dịp để ăn mừng theo định nghĩa của riêng mình: Bỏ qua những trào lưu mua sắm và tiệc tùng của ngày lễ lớn nhất năm này, giữ lại cho mình những thói quen mua sắm điều độ và tiệc tùng vừa phải, để thấy đâu cần phải mua sắm và tiệc tùng hay cuốn vào trong các chương trình mua sắm của các nhà bán lẻ nhiều đến thế mới là lễ hội. Giáng sinh, giản dị là dành để con người ta thể hiện tình yêu thương đến nhau cũng như chính bản thân mình, một cách chân thành nhất.

Như một câu danh ngôn đã từng nói: “Món quà tuyệt nhất trong giáng Sinh là sự hiện diện của một gia đình hạnh phúc, bao bọc lấy lẫn nhau mùa lễ này”.

Liệu đó đã phải điều quan trọng nhất trong Giáng sinh này với bạn?

Linh Đàm

—————————————————–

Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.

Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��