Life

Khủng hoảng tuổi 30 và làm sao… tận hưởng?

Nhà hài kịch Ali Wong trong bộ phim Baby Cobra đặc biệt của cô ấy trên Netflix từng chia sẻ: Cô biết cô già đi khi Kindle của cô biến thành thư viện các cuốn sách self-help. Những cuốn sách tràn ngập các lời khuyên: làm thế nào để độc lập tài chính, làm thế nào để các mối quan hệ của cô trở nên ý nghĩa hay làm sao để sống thoải mái với sự không chắc chắn.

Khác với Wong, tôi đọc self-help từ hồi 20s, yên tâm với việc mình còn quá nhiều thời gian trước mắt cho những dự định “nghiêm túc”.

Cho đến một sáng nay thức dậy, khi câu lạc bộ 30 hào hứng chào đón, tôi đã suýt nữa hoảng sợ bỏ chạy!

Chuyện gì xảy ra?

Có một sự thật: áp lực để đạt được những tiêu chuẩn xã hội đặt ra cho tuổi ba mươi nhiều khi không tương xứng với sự sẵn sàng của thế hệ này. Lứa tuổi 30 ngày nay thừa nhận họ cảm thấy hạnh phúc ít hơn so với thế hệ trước, có thể bởi thế giới ngày nay đang hội tụ theo cách chưa bao giờ xảy ra. 

Ở độ tuổi hai mươi, bạn thực sự còn nhiều thời gian. Bạn có thể hoang mang, nhưng chuyện- đó- không- sao. Vì bạn trẻ. Ở độ tuổi ba mươi, bạn thực sự có ít thời gian hơn và chuyện hoang mang giờ trở- nên- có- sao. Đặc biệt, sự phân hóa trong chính thế giới những người 30 và mạng xã hội góp phần khuếch đại điều đó. Bạn có cảm giác ai cũng giỏi giang, thành đạt, hạnh phúc và “ngon nghẻ” hơn bạn. Mà không hề biết rằng ai cũng mang nỗi hoài nghi ấy. 

Thực tế điều này là có thể đoán được. Bạn lên kế hoạch cho đời mình, với tất cả hứng khởi và tin tưởng của tuổi trẻ. Rồi đột nhiên cuộc sống “chen vào” và mọi thứ trở thành hoàn toàn trái ngược với tưởng tượng của bạn. 10 năm trước, bạn tưởng tượng ở tuổi 30 bạn có một sự nghiệp xán lạn, một tình yêu đẹp, thậm chí một gia đình hạnh phúc, tài chính vững vàng, một sức khỏe dồi dào và du lịch khắp thế giới cùng những mối quan hệ ý nghĩa.

Giờ thì sao? 

Bạn nằm ôm gối thở dài vì hóa đơn thanh toán nhiều hơn phiếu lương, bạn trở cáu bẳn nếu ai đó “vô duyên” hỏi bạn chuyện tình cảm, bạn block hết những người bạn có cuộc sống sang chảnh cho đỡ… áp lực, ảo ảnh về một cơ thể săn chắc đổi thành thực tế cơ thể ì ạch và đau nhức vì ít vận động và toàn… đồ ăn nhanh; 

Và khi ai đó hỏi bạn muốn trở ai thành gì, bạn mỉm cười đau đớn vì không có câu trả lời. 

Khi chiếc đồng hồ cát với hạn là mốc 30 chạm đáy, bạn hoảng hốt định bỏ chạy thì không kịp. Cuộc sống… bế tắc hệt như cuốn tiểu thuyết mà bạn đọc hồi 20- hồi bạn còn phủi tay chê sến sẩm, khủng hoảng gì còn lâu lắm. 

Nhưng dù muốn hay không, cuộc sống đã đưa cho bạn “trái chanh” 30. Có thể nó hơi đắng và không được chào đón, nhưng chẳng lẽ chỉ nên sợ hãi và tập trung vào việc trốn chạy?

Có nên khủng hoảng?

Bình tĩnh lại, tự lật ngược lại vấn đề: Có nên chìm đắm trong khủng hoảng?, bạn sẽ nhận ra: Rõ ràng là không. 

Bên cạnh những mặt có- vẻ- căng- thẳng của thế giới người lớn, bạn nhận ra bạn đã có nhiều trải nghiệm hơn, tâm lý vững hơn, tài chính ổn hơn và nhiều trợ giúp hơn so với tuổi 20 yêu dấu. Chỉ có điều, mọi thứ chưa chắc chắn 100%. 

Và vì thế, học cách tận hưởng cuộc sống, đặc biệt là việc tận hưởng nó ở tuổi 30, nên là câu chuyện cần được quan tâm thay vì chìm đắm trong áp lực mà nó mang tới. 

Không có một định nghĩa chung có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi trong việc tận hưởng cuộc sống, đó là điều này đỏi hỏi một tư duy nhất định để… học cách làm sao để biến cơn khủng hoảng tuổi 30 trở thành chuyện nhỏ và tận hưởng nó, thay vì lo lắng và chạy trốn. 

Có hai loại tư duy khác nhau theo Tiến sĩ Carol S. Dweck, tác giả của “Mindset” sẽ dẫn bạn đến thái độ đối phó với vấn đề này: Những người với tư duy cố định và tư duy phát triển. 

Tư duy cố định: Những người với tư duy cố định tin rằng khả năng của họ là cố định và không thể thay đổi. Họ tin rằng thành công có liên quan đến tài năng và không thể đạt được dù có nỗ lực hay tập luyện. Vì vậy, bạn mắc kẹt với những gì bạn có trong suốt quãng đời còn lại và không có “đất” để phát triển. 

Tư duy phát triển: Trái lại, những người có tư duy phát triển tin rằng khả năng của họ có thể được cải thiện. Họ tin vào tầm quan trọng của nỗ lực và họ không nản lòng trước thử thách. Vì vậy, với những người này, khả năng là vô tận. 

Và như bạn có thể nhìn ra, tư duy phát triển chính xác là những thứ bạn cần nếu bạn muốn tận hưởng cuộc sống của mình ở độ tuổi 30. Tin rằng mọi thứ là tương đối, 30 chưa phải là dấu chấm hết cho cuộc sống tuyệt vời của bạn, thậm chí những điều tốt đẹp nhất vẫn đang đợi bạn ở phía trước, sẽ cho bạn động lực và tự tin để bắt đầu, bất cứ lúc nào, ở đâu. 

Bạn cũng đồng thời nhận ra, danh sách về những việc cần làm trước tuổi 20, 30, trước khi chết… hoàn toàn là những khái niệm sáo rỗng về hạnh phúc (kèm theo đó là những lời hô hào, hãy theo đuổi đam mê, đừng bao giờ từ bỏ, cứ thất bại và tiến về phía trước… ). Và cuộc đời của người khác, là của người khác. Cuộc đời của bạn, là của bạn mà không cần phải tuân thủ cứng nhắc định nghĩa của bất kỳ ai. Đơn giản, chỉ cần tìm ra những gì bạn muốn và những gì bạn nghĩ bạn muốn rồi điều chỉnh nó cho phù hợp, là được. 

Tuy nhiên, để cho việc “lớn lên” trở nên trọn vẹn, đừng quên vẫn nên xây dựng một tầm nhìn xa cho tương lai của bạn. Điều đó sẽ cho bạn cảm giác về mục đích và sự thoải mái. Quan trọng hơn, tầm nhìn sẽ trở thành bánh lái của bạn. Mỗi khi bạn có một quyết định khó khăn cần đưa ra, bạn sẽ hỏi bản thân con đường nào phù hợp với tầm nhìn của bạn. Điều đó sẽ dẫn bạn đi đúng đường.

Và hãy nhớ, tất cả những KOLs bạn ngưỡng mộ đang chia sẻ lời khuyên trên mạng xã hội cũng từng trải qua những khoảnh khắc tồi tệ và điên rồ nhất trong cuộc đời. Chỉ có điều, họ đón nhận, biết ơn và vượt qua nó một cách tài tình, thế thôi. 

Cũng đừng quên chăm sóc cho sức khỏe và tinh thần của mình: Ở tuổi 20, một cơn hắt hơi xổ mũi có thể chỉ vì thời tiết, nhưng ở tuổi 30, nó có thể tiềm tàng những vấn đề sức khỏe khôn lường. Hãy đi bộ, vận động và đừng “tặc lưỡi” ăn thức ăn nhanh như hồi 20. Cũng không cần phải dựa vào ai để có hạnh phúc cho chính mình. Sao không tự yêu và mang đến niềm vui cho bản thân nếu đó luôn có thể là lựa chọn của bạn? 

Cuối cùng, hãy thẳng thắn và thực tế về chuyện tiền bạc. Tôi không muốn đặt áp lực cho bạn, nhưng đừng viển vông về chuyện tiền bạc không quan trọng với hạnh phúc và tương lai. Nếu chưa ai nói với bạn điều đó, hãy tìm đến Google với từ khóa “tầm quan trọng của tiền”.

Từ chuyện khủng hoảng tuổi 30…

Cũng như bất cứ thử thách nào trong cuộc sống, đến rồi đi, điều tuyệt vời nhất khi bạn đã vượt qua hội chứng 30 và nhìn lại chính là, bạn đã từng vượt qua nó, và đang sống một cuộc sống rất tuyệt, thì hãy tin tôi, những thử thách khác trong cuộc sống, chỉ là “gia vị” để khiến bạn trở nên thú vị và đặc biệt hơn mà thôi.

Vì vậy, hãy cụng ly và tự tin trở thành một thành viên của câu lạc bộ 30 hay bất cứ con số nào nghe rất khủng khiếp, bởi “tuổi tác cũng chỉ là một con số thôi”, phải không? 

Tái bút: 

Bạn tôi email trả lời tôi khi tôi chia sẻ về băn khoăn tuổi tác của mình, chúng tôi đều đang 30: “Tuổi 30, xét cho cùng, không đáng sợ như mình vẫn lo lắng nhỉ?”.

Tôi mỉm cười, trong lòng thầm nghĩ “Quả thực, không hề”. 

Thậm chí từ ấy, tôi đã lựa chọn chỉ sống thật vui!

Linh Đàm

Bài viết gốc: Khủng hoảng tuổi 30: Cảm giác ai cũng giỏi giang, thành đạt và ‘ngon nghẻ’ hơn bạn… nhưng thay vì sợ hãi, hãy hiểu tầm quan trọng của tiền và tự khiến mình hạnh phúc– CafeBiz, Tháng 6/2020

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��