Art

TÁR: Thẳm sâu trống rỗng

Trong một chia sẻ trước đây mình từng nói, Marketing không hẳn chỉ là khoa học, với những con số, dữ liệu… Marketing cũng không hẳn chỉ là nghệ thuật, với những sáng tạo về big idea, concept, story… Marketing là cả hai. Thậm chí Marketing là nhiều hơn cả hai. Nghĩa là bạn quăng mình vào cuộc sống, đắm đuối trong nó, và trở ra với nhiều chất liệu và trải nghiệm hơn để bồi đắp cho chính công việc của mình.

Những khóa học, những châm ngôn, những dự án và con người bạn tương tác, vẫn sẽ là không đủ. Trí tưởng tượng và tư duy của bạn cần nhiều hơn thế. Và uhum, nếu bạn cần thêm gợi ý về một món ăn cho tâm trí (food for thought) vào cuối tuần này, Linh sẽ không thể không nhắc đến TÁR, không phải vì giải thưởng Quả cầu vàng dành cho Cate Blanchett hay danh sách đề cử Oscar 2023, mà vì bản thân nó.

Nào, ta thử bắt đầu…

—————————————————–

Phải mất rất lâu sau khi xem xong Tár tôi mới có thể thấy bình thường trở lại. Tôi nhớ lại cảm giác trống rỗng tương tự khi xem “The Power of the Dog”. Giống như những bộ phim kéo ta lơ lửng trên những đám mây suy tưởng cùng câu chuyện của nó, rồi đột ngột thả rơi không trọng lực – bềnh bồng giữa không trung.

Ngay tại đó, có một khoảng không sâu hoắm đã được khoét trong lòng mỗi người. Nó sẽ cứ ở đó, không đi đâu cả, thi thoảng vọng lên những câu hỏi- những câu hỏi vĩnh viễn không có lời giải, hoặc vĩnh viễn chẳng có câu trả lời tuyệt đối.

“Rốt cuộc đời sống là gì?”

“Những định danh có ý nghĩa ra sao?”

“Hời hợt là thế nào? Sâu sắc là tới bao nhiêu?”

“Lý trí là cái gì? Và sau tất cả, cái gì là đúng – sai?”

Lydia Tar – nữ nhạc trưởng có tất cả? Chẳng phải đâu!

Đây mới là con người thật của Lydia, với ánh mắt vô hồn, trống rỗng của người tưởng như đã có tất cả theo tiêu chuẩn của xã hội. Thậm chí, cảnh quay trong Teaser này còn chẳng có trong phim.

Bất kỳ ai trong chúng ta, đều có thể thấy mình trong Tár. Biết rất rõ mình muốn gì, sắp xếp rất ngăn nắp cuộc sống, tỉnh táo trong lựa chọn, nhưng vẫn không tránh khỏi nhưng giây phút khờ khạo, dù ở bất cứ tuổi nào.

“Bấy lâu nay, những bộ phim dần trở nên khá dễ đoán đối với khán giả chúng ta. Ý tôi là, chúng như cầm tay ta dẫn dắt qua từng chi tiết, cái cảm giác thậm chí đến khó chịu, cái cảm giác luôn được xoa dịu rằng đến cuối cùng mọi thứ sẽ yên ổn. Điều này đang ăn mòn điện ảnh, vì khán giả sẽ lờn đi và cuối cùng trở nên quen dần với điều đó, làm cho những người như tôi, những người có cơ hội tiếp xúc với điện ảnh quá khứ – hoặc nhiều hơn thế nữa – cảm thấy vô vọng cho tương lai của loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là tiếc cho thế hệ sau này. Nhưng những việc đó là của những ngày tăm tối’.”

Martin Scorsese

Tár có thể là một nhạc trưởng thông minh, tài năng, lý trí và cứng cỏi đôi khi tới độc tài. Nhưng Tár cũng là một đồng tính nữ với nỗi cô độc, bất lực, đầy nhu cầu, nhục cảm và bình thường như bất cứ ai.

Tất nhiên, xen lẫn giữa những phân cảnh đầy triết lý về nhạc cổ điển, về đời sống, TAR cũng là bộ phim với đầy những khoảnh khắc rung động giữa Tar và người vợ hay giữa Tar và nhạc công Cello mới gia nhập dàn nhạc.

Lydia Tár: But, as I said before, we are dealing with time. And this piece was not born into aching tragedy. It was born into young love.
Adam Gopnik: And so you choose?
Lydia Tár: Love
Adam Gopnik: Right. But precisely how long?
Lydia Tár: Well, seven minutes.

TÁR

Ở những khoảnh khắc ấy, ta thấy một Tár yếu đuối, dễ mềm lòng và cảm tính chẳng khác một người bình thường, dù như người giới thiệu, Lydia là một trong những nhân vật quan trọng nhất của nền âm nhạc hiện tại.

Tôi viết về Tar, khi để chế độ re-play album “Clouds” của Joni Mitchell, không hiểu sao, vẻ mặt Cate Blanchett trong màn hóa thân Tar, lại cứ gợi nhớ tôi tới nét mặt, nửa u buồn, nhưng nửa thanh thản của Joni Mitchell.

Không chỉ có thế, Tar kéo tôi về 15 năm trước, khi Cate trong hình ảnh của Daisy – vũ công ballet khiêu vũ trên những điệu nhảy ở “The Curious Case of Bejamin Button”. Những hình ảnh, đã ám ảnh tôi như một trong những bộ phim đẹp, thơ mà cũng buồn thương nhất đã xem trong đời.

Còn giờ, Cate là nhạc trưởng Lydia Tar, khiêu vũ theo những nhịp chỉ huy của dàn nhạc giao hưởng.

Sẽ khó để mô tả về một bộ phim – lại với dụng ý không spoil bộ phim, vì từ lâu tôi đã hiểu ra một điều hiển nhiên khác, những điều tuyệt vời, nên để mỗi người có quyền trải nghiệm nó từ đầu, thay vì gượng gạo bình phẩm dù không đủ sức.

Tôi chỉ có thể nói về Tar: Một bộ phim đẹp, buồn, có thể khiến ta day dứt, và tự vấn lại nhiều điều tưởng như đã hiển nhiên trong suốt 157 phút của phim. Cate Blanchett là cái tên không cần thêm giới thiệu, giải thưởng Quả Cầu vàng 2023 cũng chỉ là thứ tái khẳng định mệnh đề vừa nêu.

Còn lại, tất cả là một câu chuyện mở mà chỉ có bạn, mới cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của câu chuyện này.

Chúc bạn có những rung cảm và suy tư đẹp sau bộ phim đặc biệt này.

Và biết đâu, là những phức cảm đặc biệt phản ánh trong những sản phẩm MKT sắp tới. Tại sao không nhỉ?

Linh Đàm

—————————————————–

Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.

Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��