Art What Matters

[WM EP2] Trị liệu nghệ thuật và sáng tạo

Nếu số đầu WHAT MATTERS đã nói về AI, hãy để số tiếp theo nói một câu chuyện ngược lại, bay bổng nhưng không kém khoa học: Trị liệu nghệ thuật!

Vào một ngày mùa xuân 2018, bằng một mối duyên, mình tham dự lớp Art Therapy. Bắt đầu thử nghiệm với màu nước, acrylic, màu dầu; thể hiện bản thân qua đường nét, màu sắc… Mình lờ mờ nhận ra niềm vui thuần thiết lẫn tác động tới sáng tạo khi đắm mình trong nghệ thuật.

Nhưng trị liệu nghệ thuật, vẫn chỉ là một mối quan tâm bên cạnh guồng quay công việc và những khía cạnh khác. Mình quên bẵng đi lĩnh vực này.

Cho đến một ngày, có lẽ lại bởi duyên, mình có cơ hội làm việc cùng một chuyên gia tâm lý học người Mỹ – người đã vẽ, hát, nhảy múa, chơi đùa như một cách để trải nghiệm cuộc sống.

Dù thời gian làm việc cùng ông ngắn ngủi, mình đã thấy muốn nghiêm túc hơn về giá trị của nghệ thuật, với các khía cạnh tâm lý con người. Hay xa hơn, thực hành điều đó trong hoạt động với tên gọi: Trị liệu nghệ thuật.

Nhưng thực ra, có phải tới khi tham gia các buổi trị liệu chuyên nghiệp, ta mới hưởng lợi? Hay khi nhìn lại, thực ra ta đều đã vô tình được nghệ thuật nâng đỡ từ lúc nào không hay.

Đặc biệt, trong thế giới công nghệ, có phải là lúc càng cần nói về những điều chỉ con người mới cảm nhận được- như nghệ thuật? Để rồi quay trở lại, bồi đắp sức sáng tạo cho chính công việc của chúng ta?

Vậy thì, hãy cùng Linh bắt đầu từ những điều căn bản.

Nghệ thuật là?

Thưởng thức nghệ thuật, chính là tận hưởng cuộc sống.

Sonnet 18- Shakespeare

Anh có nên ví em với ngày mùa hạ?
Em đáng yêu hơn và rất đỗi dịu êm
Gió mạnh tháng Năm chao đảo những nụ hoa
Mùa hạ ngắn không đủ cho hò hẹn

Mắt thiên đường đôi khi quá nóng bỏng
Ánh vàng óng nhiều lúc phải phai mờ
Những huy hoàng có thể không đượm thắm
Bởi thiên nhiên thay đổi vẫn tình cờ.

Duy mùa hạ vĩnh cửu của em còn mãi
Và sắc đẹp của em sẽ ở lại, chẳng tàn phai
Cả cái Chết cũng không kéo em đi mãi
Trong bài thơ vĩnh cửu, em sẽ mãi rạng ngời

Chừng nào người còn thở và mắt có thể trông
Còn bài thơ này và còn của em cuộc sống.

Nghệ thuật (art) bắt nguồn từ tiếng La tinh (ars) có nghĩa là Kỹ năng hay Thủ công. Nghệ thuật là một trong những phương tiện biểu đạt lâu đời và quan trọng bậc nhất được phát triển bởi con người và đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống của xã hội loài người. Nghệ thuật thường bị ảnh hưởng bởi văn hóa, địa lý và được thúc đẩy bởi sự thôi thúc sáng tạo của con người.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về Nghệ thuật. Trong khuôn khổ bài viết này, có một định nghĩa tổng hợp từ nhiều nguồn mà Linh thấy phù hợp hơn cả:

Nghệ thuật: Sự thể hiện hoặc ứng dụng kỹ năng sáng tạo và trí tưởng tượng của con người, điển hình là ở dạng trực quan như hội họa hoặc tác phẩm điêu khắc, tạo ra các tác phẩm được đánh giá cao chủ yếu nhờ vẻ đẹp hoặc sức mạnh cảm xúc của chúng.

Trị liệu nghệ thuật

Theo Psychology.org: Trị liệu nghệ thuật là liệu pháp nghệ thuật giúp mọi người sử dụng sự sáng tạo và thể hiện bản thân để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của họ. Có nhiều liệu pháp nghệ thuật có thể được sử dụng như nghệ thuật thị giác, kịch nghệ, liệu pháp âm nhạc…

Trị liệu nghệ thuật bắt đầu được áp dụng từ những năm 1940 và sau đó phát triển để trở nên phổ biến từ những năm 1970.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, trị liệu nghệ thuật giúp nâng cao sự tự tin và nhận thức, nuôi dưỡng sự bền bỉ, tăng cường các kỹ năng xã hội, cải thiện các mối quan hệ, cung cấp các thể hiện bản thân lành mạnh, nâng đỡ khi đi qua các sang chấn cũng như giảm thiểu các tác động từ vấn đề sức khỏe tinh thần.

Nhiều hoạt động trị liệu nghệ thuật được thực hiện theo hình thức nhóm, 1:1 hay tự thực hiện.

Nhưng khoan nói tới khi gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần hoặc sang chấn mới tìm đến nghệ thuật;

Có phải, ngay trong đời sống thường ngày- nếu biết cách áp dụng trị liệu nghệ thuật, ta cũng có thể cải thiện nhiều khía cạnh đời sống?

Tối ưu trị liệu nghệ thuật, đặc biệt với sáng tạo?

Chà, nghệ thuật, và trị liệu nghệ thuật có nhiều tác dụng và không khó để tiếp cận như vậy. Làm sao để tôi tối ưu lợi ích của nó, đặc biệt trong việc phát triển khả năng sáng tạo đây?

Bạn có thể tham khảo một số gợi ý từ Linh:

  • Giảm bớt thời gian tiêu thụ các nội dung điện tử
  • Dành thời gian để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật, từ nhiều khía cạnh như hội họa, điện ảnh, âm nhạc, văn học, sân khấu…
  • Dành thời gian để chủ động tạo ra/tham gia những sản phẩm/hoạt động giúp thể hiện cảm xúc hoặc mang lại giá trị thẩm mỹ, từ chính những cảm hứng đã thu nạp được. Như Linh, đó là lý do vì sao Linh xây dựng “WHAT MATTERS“. Ngoài mục tiêu đem đến chia sẻ với cộng đồng, đó cũng là cách để Linh duy trì sự sáng tạo.
  • Chia sẻ, biểu đạt, giải thích ý nghĩa các sản phẩm “nghệ thuật” của mình với người khác.
  • Xây dựng một thời gian biểu định kỳ, dành riêng cho hoạt động này.
  • Sắp xếp đa dạng hóa các hình thức nghệ thuật áp dụng.

Thực tế, trị liệu nghệ thuật không chỉ hữu ích cho sự sáng tạo của người lớn, ngay cả trẻ nhỏ, nếu được tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm và học cách thể hiện bản thân qua nghệ thuật, đó cũng là cách tuyệt vời để phát triển tư duy sáng tạo từ sớm. Chưa kể, nhiều trường hợp tự kỷ, sa sú trí tuệ, trầm cảm, tâm thần phân liệt… đã được ghi nhận cải thiện khi áp dụng trị liệu nghệ thuật.

Vậy thì, vào thời gian nghỉ ngơi hôm nay, thay vì thói quen xem màn hình để “nghịch ngợm” với ChatGPT hoặc loại hình điện tử khác, bạn hãy thử vẽ một bức tranh (dù chưa đẹp), viết một câu chuyện (dù chưa hay), nghêu ngao vài câu hát (dù chưa sâu lắng)… và quan sát nhịp sống của mình, chậm lại, sâu lại một nhịp, cũng như khác đi ở một vài khía cạnh.

Bạn có thấy lòng mình dịu lại?

Và từ sự dễ chịu ấy, liệu ta có sáng tạo hơn so với guồng quay thường ngày?

Linh Đàm

PS: Rất lâu rồi, mình không liên hệ với vị chuyên gia tâm lý người Mỹ – người đàn ông đến từ quê hương của Starbucks- Seattle này. Nhưng nếu bạn muốn gặp ông, bạn có thể liên lạc với ông tại đây. Và Linh hy vọng, bạn cũng sẽ có cảm giác dễ chịu, như Linh luôn có khi trò chuyện với người đàn ông với trái tim cây sồi này.

—————————————————–

Bài viết thuộc Series WHAT MATTERS – Lên sóng định kỳ vào 9PM thứ Tư, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, chia sẻ các câu chuyện về MarketingNghệ thuật, Cuộc sống tới 20.000 độc giả. Chuyên mục do Ekip Linhdam.Co ra mắt ngày 01.02.2023- dự án đầu tiên và xuyên suốt của Blog từ 2023.

Bản quyền Linhdam.Co. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc emily.damtn@gmail.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��