Life

Stephen Hawking: Chúng ta có thể du hành thời gian?

Bài viết cập nhật lại, nhân kỷ niệm 4 năm ngày mất của thiên tài vật lý, người hoạt động trong lĩnh vực mà tác giả không hiểu gì, nhưng lại vô cùng trân trọng. Stephen Hawking cũng là người đã truyền cảm hứng, để tác giả luôn TÒ MÒ về thế giới. Và tôi tin, Stephen Hawking đã truyền cảm hứng không chỉ cho tôi…

————————————–

Giá mà cỗ máy thời gian của Doreamon là sự thật, để khi nhận ra ký ức không phải là thứ có thể đóng băng rồi cất giữ trong ngăn tủ, ta có thể quay về tìm kiếm. Để khi đi qua những lúc hoang mang về tương lai của chính mình, ta có thể bước lên cỗ máy thần kỳ với câu trả lời đơn giản ngay trước mắt. Hay cao hơn, để trở về với điểm khởi nguồn của thế giới và xem Chúa (hay điều gì) đã tạo nên vũ trụ như hôm nay; để tiến tới vạn năm sau và xem ngoài trái đất, còn không gian nào nữa không- chúng hình thù ra sao, xanh tươi thế nào?

Và thật ra có kẻ đã không chỉ mơ mà dành cả cuộc đời để tìm kiếm câu trả lời cho giấc mơ tưởng viển vông mà hóa ra đẹp nghẹt thở ấy- giấc mơ du hành với tốc độ cao hơn ánh sáng..

Cambridge, Jane và hy vọng

Câu chuyện của Hawking, nếu nghe thoáng qua rất dễ bị nhầm thành cổ tích, chuyện về một chàng sinh viên học hành tài tử nhưng vẫn giành học bổng danh giá của Cambridge; chuyện giữa những năm tháng sáng láng về sự nghiệp thì ông được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo; chuyện ngay giữa lúc chán chường nhất thì tình yêu của ông bước vào, dịu dàng nhưng kiên định quyết kéo dài thời gian sống của nhân vật chính từ vài năm sang hàng chục năm.

Để rồi điều đó thành sự thật!

Description: x900

Cảnh trong “Theo Theory of Everything”

300 năm sau ngày mất của Galileo, thêm một thiên tài nữa được ra đời tại Oxford, Anh Quốc. Stephen Hawking không phải tuýp tài năng xuất chúng từ nhỏ, thậm chí lúc đầu kết quả của nhà vật lý không hề xuất sắc. Nhưng theo thời gian, càng ngày năng khiếu với các môn khoa học tự nhiên của ông càng được bộc lộ. Sớm trở thành sinh viên của University College nhưng với chàng sinh viên trẻ việc học “dễ một cách kỳ cục” khiến ông trở nên chán chường. 

Tuy nhiên để vào được Cambridge vẫn cần một tấm bằng hạng Nhất tại Oxford. Và buổi thi vấn đáp một lần nữa là cơ hội để Hawking bộc lộ tài năng của mình với câu trả lời đĩnh đạc: “Nếu các vị trao cho tôi hạng Nhất, tôi sẽ tới Cambridge. Nếu tôi nhận hạng Nhì, tôi sẽ ở lại Oxford, vì vậy tôi hi vọng các vị cho tôi hạng Nhất”. Thầy dạy Vật lý Robert Berman sau này bình luận rằng giám khảo “đủ thông minh để nhận ra họ đang nói chuyện với ai đó thông minh hơn nhiều phần lớn người trong số họ”.

Description: the-theory-of-everything-movie-still-5

Cảnh trong “Theo Theory of Everything”

Cổ tích bắt đầu khi ở năm cuối Oxford, Hawking được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động và bác sĩ cho rằng ông chỉ còn hai năm để sống. Trong khi Hawking rơi vào trầm cảm thì Jane Wilde- cô sinh viên chuyên ngành tiếng Pháp và Tây Ban Nha của Oxford lại cứng cỏi tuyên bố muốn đính hôn với Hawking và cùng ông chiến đấu với bệnh tật. Hai người đính hôn vào tháng 10 năm 1964 và với Hawking, việc có Jane Wilde đã cho anh “điều gì đó để sống”. Ông quay lại công việc với niềm hứng thú dù bệnh tật ngày càng xấu đi…

Nếu đây là một câu chuyện cổ tích giữa đời thực thì người ta có thể hy vọng vào cái kết hiển nhiên khi hai nhân vật chính cùng nhau sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Nhưng vì đây là cuộc sống với cả hạnh phúc lẫn nỗi đau của nó nên cái kết hóa ra rất khác…

Lược sử thời gian

Những năm đầu của hôn nhân với sự hỗ trợ của Jane, Stephen có điều kiện tập trung cho sự nghiệp và mở rộng các quan niệm về việc vũ trụ khởi đầu từ một điểm kỳ dị mà ông đã khám phá trong luận án tiến sĩ- luận án đã giành giải Adams cho nghiên cứu toán học xuất sắc hàng năm của Cambridge. Nhưng bệnh tình của Hawking không có chiều hướng tiến triển mà ngày càng suy giảm khi ông bắt đầu phải dùng nạng và thường xuyên hủy các buổi giảng. Cuối những năm 1960, khi không thể duy trì được việc đi lại bằng nạng, trước sự thuyết phục của mọi người Hawking chấp nhận ngồi xe lăn. 

Những năm 1970 cũng là thời kỳ công chúng quan tâm đặc biệt tới hố đen và Hawking thường xuyên được mời phỏng vấn. Ông cũng có nhiều ghi nhận cho công trình của mình. Tuy nhiên các danh hiệu không giúp thanh toán hóa đơn, nên Hawking quyết định viết một cuốn sách về khoa học vũ trụ lấy tên “Lược sử thời gian”. Năm 1981 tại một hội nghị ở Vatican Hawking giới thiệu một công trình rằng vũ trụ có thể không có biên- điểm đầu hay điểm cuối, điều đi ngược lại với kết luận trước kia của ông về điểm kỳ dị.   

Trong chuyến công tác ở Geneve mùa hè năm 1985, Hawking mắc viêm phổi nặng đến mức bác sĩ từng hỏi Jane có nên chấm dứt các thiết bị duy trì sự sống của ông. Bà từ chối và ông sống sót nhưng ca phẫu thuật đã khiến năng lực phát âm ít ỏi còn lại của ông bị loại bỏ hoàn toàn. Hawking phải nhờ tới một chương trình máy tính mang tên Equalizer được gắn vào xe lăn để hỗ trợ giao tiếp. Một trong những thông điệp đầu tiên ông đưa ra với Equalizer là hoàn thành việc viết “Lược sử thời gian”. 

Cuốn sách cuối cùng cũng được xuất bản vào tháng 4 năm 1988 và trở thành một thành công phi thường, với hơn 10 triệu bản in cuốn sách nhanh chóng vươn lên đầu các danh sách bán chạy nhất và duy trì vị trí nhiều năm liên tục. Thậm chí tờ Newsweek còn mô tả ông là “Master of the Universe” (“Bậc thầy Vũ trụ”). Giữa đỉnh cao của danh vọng, khi Hawking càng ngày càng trở nên ngạo mạn thì Jane lại càng cảm thấy đè nặng bởi sự dòm ngó của công chúng. Trong một lần phỏng vấn Jane đã mô tả vai trò của bà “đơn thuần là nói cho ông ấy biết ông ấy không phải Chúa Trời”. 

Giữa lúc đó, mối quan hệ giữa Hawking và một trong số các y tá của ông, Elaine Mason ngày càng trở nên gần gũi. Cuối cùng vào mùa xuân năm 1990 Hawking thừa nhận với Jane rằng ông đang rời bỏ bà để tới với Elaine. Năm năm sau vào mùa thu 1995 Hawking kết hôn với Elaine sau hơn 30 năm song hành cùng Jane.

Tôi không còn nhớ rõ Jane đã phản ứng như thế nào khi Hawking bỏ đi theo Elaine, chỉ nhớ trong “The Theory of Everything” bà đã hỏi Hawking, vậy là bao nhiêu năm em cho anh so với chỉ hai năm của các bác sĩ… Dường như Hawking không trả lời được.

Phải chăng đây mới là cuộc sống, với tất cả tình yêu và đau thương của nó, thật thà và cũng không trọn vẹn cũng nó?

Ở đâu có sự sống…

Ai trong chúng ta đều sẽ có lúc thấy tuyệt vọng giữa cuộc sống. Tôi cá là Stephen Hawking hay Jane Wilde cũng đều thế. Nhưng sau chuyến du hành cùng họ tôi tự nhủ lòng những lúc rơi xuống đáy như vậy, tôi sẽ nhớ tới Stephen Hawking với ý chí phi thường của ông- của một người không đi lại được, không cử động được, không giao tiếp được… các kỳ vọng của một đời sống bình thường có lẽ còn dưới mức không nhưng lúc nào cũng né tránh nói về khó khăn của mình và vượt lên tất cả, trở thành cảm hứng về nghị lực cho cả thế giới. 

Và tất nhiên là cả Jane, của một cô sinh viên nghệ thuật với niềm tin sâu sắc vào Chúa, nhưng khi yêu một nhà vật lý với niềm tin vũ trụ được vận hành bởi các định lý khoa học thay vì một đấng tối cao, sẵn sàng hy sinh hết… và sau hơn 30 năm khi chứng kiến tình yêu rời bỏ mình đến với người khác, bà cũng không sụp đổ hay than khóc. Khi nhìn lại, nỗi đau nào cũng được xoa dịu đi nhưng nếu Jane làm được thì chúng ta làm được, phải không? 

Bây giờ, Hawking vẫn tiếp tục công việc của một nhà vật lý và chẳng có ý định nghỉ ngơi dù đã 73 tuổi. Còn Jane kết hôn với một người bạn thân là Jonathan Jones và theo đuổi sự nghiệp giáo dục mà trước đó bà đã say mê. Sau khi ly dị Elaine ông và Jane tiếp tục giữ mối quan hệ tốt đẹp. Trong một buổi hội thảo, bằng giọng nói nhân tạo của mình, Hawking khẳng định:

“Dù cuộc sống có tồi tệ thế nào. Ở đâu có sự sống. Ở đó còn hy vọng”… 

Description: 1
Hawking tại tàu không trọng lượng- NASA nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của ông- 2007

Không hiểu sao khi nghe câu nói ấy, tôi có cảm giác như chính lịch sử của vừa có một chuyến du hành, bởi hàng ngàn năm trước Socrates, nhà hiền triết xứ Hy Lạp khi được hỏi trong các vật, vật gì vững bền nhất đã điềm đạm trả lời rằng:

“Hy vọng, vì khi con người ta mất hết, nó vẫn còn!”

Linh Đàm

Nhân dịp khởi chiếu “The Theory of Everything” (Thuyết vạn vật)- Bộ phim về cuộc đời của Giáo sư Vật lý học Stephen Hawking; trong đó diễn viên đảm nhận vai chính Eddie Redmayne đã giành giải “Nam diễn viên xuất sắc” của Oscar 2015.

Bài viết gốc: Chuyện đẹp: Chúng ta có thể du hành thời gian?– CafeBiz, Tháng 4/2015

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��