Business

Dốc hết trái tim

Điều gì khiến Starbucks trở thành chuỗi cafe số một thế giới?

Nếu cuộc đời cũng là một Espresso nóng…

Ừ, nếu cuộc đời cũng là một Espresso nóng, thơm nồng, nghi ngút khói…

Thì tại sao bản thân chúng ta không thể luôn là chính mình, đậm đặc, nhiệt huyết, và “dốc hết trái tim” trước mọi lựa chọn của mình?

Tôi không uống được cafe, thường xuyên bị say caffein, và kinh doanh nhà hàng hoặc cafe cũng xa lạ với công việc của chúng tôi. Nhưng khi suy nghĩ về một cuốn sách để tặng người bạn thân của mình, tôi đã không ngần ngại chọn “Dốc hết trái tim”, thay vì một cuốn sách khác của Warrant Buffet hay George Soros, bởi cái triết lý xuyên suốt cuốn sách bé nhỏ là điều mà tôi rất muốn nhắn gửi tới một người bạn đặc biệt, hay cũng là với chính bản thân mình:

“Thành công không tính bằng tiền: Nó chính là cách bạn thực hiện cuộc hành trình, và độ lớn của trái tim khi bạn kết thúc hành trình đó”.

Howard Schultz, Dốc hết trái tim

C:\Documents and Settings\linhdtn\My Documents\to.jpg

Là một cuốn sách về kinh doanh và khởi nghiệp. Nhưng với tôi, câu chuyện của Howard Schultz và hành trình gây dựng đế chế cà phê hùng mạnh của ông hấp dẫn không kém bất cứ tiểu thuyết lãng mạn nào.

Nó như câu chuyện cổ tích với cái kết có hậu, về một cậu bé xuất thân bình dân, chẳng thìa bạc đĩa vàng, chẳng dòng dõi cao quý, nhưng dám mơ những giấc mơ lớn nhất. Và đây, giấc mơ làm chủ công ty cà phê lớn nhất thế giới, mạng lưới gần 33.000 cửa hàng tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với Howard Schultz- CEO từng giữ vị trí CEO số 1 thế giới của tạp chí Fortune, đã thực sự trở thành hiện thực!

Và ngọt ngào rất đỗi!

Howard Schultz, cũng như Martin Luther King, như Barack Obama hay Steve Jobs… đã tái lập niềm tin về Giấc mơ nước Mỹ hoàn toàn có thật: điều quan trọng không phải là bạn xuất thân như thế nào, điều quan trọng là bạn đã cố gắng ra sao để đạt được ước mơ của mình.

“Tôi đã thấy bản chất giấc mơ Mỹ cũng như thấy bố mẹ mình trải qua sự tuyệt vọng khốn cùng… Những vết sẹo này, nỗi xấu hổ đó, vẫn còn ở lại trong ký ức tôi đến tận ngày hôm nay”

Thi thoảng, trong tâm trí bạn sẽ xuất hiện những nghi ngời về chính năng lực của bản thân. Ai cũng vậy: Cảm giác cần một người định hướng, một người truyền cảm hứng để đi tiếp con đường của mình, dù lúc đó đang gập ghềnh khủng khoeeps. Lúc ấy có thể “Dốc hết trái tim” sẽ là một lựa chọn phù hợp.

Với CEO của Starbucks, cuộc sống là một chuỗi những cú đánh suýt hỏng. Nhưng đừng nản lòng. Hãy làm tất cả với trái tim mình: Làm việc bằng trái tim, theo đuổi bằng trái tim, lãnh đạo bằng trái tim, tranh đấu và vượt qua khó khăn cũng bằng trái tim, như Howard Schultz đã làm… 

“Khi còn là một đứa bé ở Brooklyn, tôi từng sợ hãi không dám nhìn vào quả cầu pha lê để thấy được tương lai. Sau nửa đời người, tôi đã nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có đủ sức mạnh xây nên hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong quả cầu đó. Nếu chúng ta hình dung ra nó, hoạch định nó, khôn ngoan thực thi nó, chúng ta có thể biến những chiến thằng đáng kinh ngạc thành sự thật”.

Và nếu Howard làm được, tại sao bạn không?

“Dốc hết trái tim” bên cạnh ý nghĩa dành hết tình yêu cho công việc mình làm, còn là khao khát hướng tới những giá trị tuyệt đối .

Hầu hết mọi người có thể không mua được xe hơi BMW, nhưng một cốc café Starbucks là biểu tượng của món hàng xa xỉ. Khách hàng tin cốc café latte cỡ grande (cỡ lớn) của mình thể hiện họ hơn người khác- thú vị hơn, giàu có hơn, và sành điệu hơn

Nếu Steve Jobs không chấp nhận lấy miếng gỗ xấu làm lưng tủ và chiếc Iphone phải là tinh tế tuyệt đối, thì Howard Schultz cũng không thể đồng ý với việc một tách cà phê Starbucks chỉ đơn giản là thức uống giải khát.

Với ông,  “chúng tôi có thể phát tái phát minh gần như mọi khía cạnh của kinh doanh ngoại trừ một điều duy nhất: Starbucks sẽ luôn mang lại cho khách hàng loại cà phê nguyên hạt rang đậm màu với chất lượng cao nhất. Đó là di sản của chúng tôi”

Đến với những cửa hàng Starbucks, cũng không phải là xếp hàng để lấy về một cốc cà phê trong hộp giấy, mà còn có thể là lúc khách hàng được bỏ lại những xô bồ mệt mỏi thường nhật, để đắm mình trong những giai điệu du dương, trong hương vị cà phê rang thơm nồng, và tận hưởng cuộc sống theo cách trọn vẹn nhất với mỗi người..

—————————————————–

Cảm giác đọc cuốn sách rồi chia sẻ lại thế này khiến tôi thấy khó khăn. Chẳng khác nào việc cố gắng nấu một món ăn ngon trong khi mình vụng về nội trợ. Tốt nhất là nếu có thể, bạn hãy chọn lấy một góc quán xá yên tĩnh, gọi một ly cà phê tùy khẩu vị, và dành trọn tâm trí cho “Dốc hết trái tim”. Bởi với một cuốn sách mà bản thân đã quá thú vị và đáng giá như thế, mọi nhận xét và cảm nhận đôi khi sẽ trở thành thừa thãi…

Bài viết này viết năm 2012, khi Starbucks còn chưa có mặt tại Việt Nam. Nhưng giờ, Starbucks thi thoảng là nơi chốn thứ ba quen thuộc để tôi gặp gỡ bạn bè, không phải để order cafe nhưng sẽ là một đồ uống khác… Và trải nghiệm của tôi về tinh thần mà Howard Schultz chia sẻ ngày ấy, giờ đây đã trọn vẹn hơn nhiều… Khi được ngồi nhâm nhi một ly đồ uống Starbucks trong cốc sứ hình nàng tiên cá màu xanh quen thuộc, và nhẹ nhàng lật từng trang “Dốc hết trái tim”.

Linh Đàm

—————————————————–

Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.

Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��