“Ego” hay còn gọi là bản ngã/cái Tôi, đề cập đến ý thức của một người về lòng tự trọng và tầm quan trọng của bản thân. Eckhardt Tolle định nghĩa “Ego” là “câu chuyện chúng ta kể về bản thân” và cũng chỉ ra rằng nó, bên cạnh việc là động lực để con người cố gắng, nó đồng thời ngăn cản chúng ta sống đúng với con người thật của mình.
Bằng cách nào?
Càng thành công, chúng ta càng có nhiều lựa chọn. Một là tỏ ra tự tin đôi khi quá mức thành kiêu ngạo. Hai là tỏ ra khiêm tốn và biết ơn về may mắn mà mình có được. Những người khiêm nhường là những người tôi thấy dễ đi xa hơn trong cuộc sống. Còn những người có cái Tôi quá lớn? Ở họ tỏa ra một thứ năng lượng tiêu cực khiến thành công khó có thể theo họ lâu dài.
Vậy làm sao để vẫn giữ được cái Tôi của chính mình mà không cản trở thành công?
Hạ thấp mọi người chưa bao giờ là một ý tưởng hay
Khi cái Tôi của một người vượt quá tầm kiểm soát, họ bắt đầu cảm thấy mình vượt trội và giỏi giang hơn những người khác, còn những người khác, dù có thành công ở khía cạnh này, vẫn luôn có điểm yếu/thiếu sót nào đó trong mắt họ. Ý tưởng này dần trở thành một loại virus và những người có cái Tôi lớn bắt đầu liên tục “hạ thấp” người khác.
Tuy nhiên, bạn có thể nhớ rằng, không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Chúng ta có mặt này tốt, nhưng sẽ có mặt chưa hoàn thiện. Và người khác cũng vậy. Hạ thấp người khác và hành xử như thể bạn vượt trội so với số đông còn lại chưa bao giờ là một ý tưởng hay. Làm như vậy chỉ thể hiện bạn thiếu kinh nghiệm sống và sự khôn ngoan. Tôi nhớ có một đoạn trong một bài cầu nguyện có viết:
‘Nếu bạn so sánh mình với những người khác,
bạn có thể trở nên vô ích và cay đắng;
vì luôn luôn có những người vĩ đại hơn và những người có thể kém hơn bạn.
Hãy học cách thưởng thức những thành tựu cũng như các kế hoạch của bạn.’
Giá trị của bạn, thể hiện ở chỗ bạn có thể đem lại điều gì cho thế giới. Và những người lãnh đạo, là những người tập trung vào chính bản thân mình cũng như đi tìm những giải pháp, không phải tập trung vào những vấn đề và câu chuyện của người khác.
Cái gì đến nhanh, hoàn toàn có thể đi nhanh
Bạn có nhớ những cá nhân đột nhiên nổi tiếng, đột nhiên thành công? Họ bỗng dưng ít nói, kẻ cả, thể hiện và coi nhẹ người khác. Thời gian ban đầu, điều đó có thể chưa gây ảnh hưởng. Nhưng sau đó, chính thái độ tự tôn quá mức có thể khiến bạn phải hứng chịu hậu quả. Đặc biệt tỏng kinh doanh, khi bạn để cái Tôi của mình vượt quá tầm kiểm soát, bạn sẽ nghĩ mình xuất chúng và bất khả chiến bại. Cái Tôi lớn có thể làm lu mờ khả năng phán đoán và khiến bạn nghĩ rằng bạn có siêu năng lực (dù thực tế bạn không hề sở hữu nó).
Nhưng đáng tiếc, mọi người không quan tâm đến bạn nhiều như bạn tưởng. Khi bạn may mắn có được thành công, thực ra, cái mọi người quan tâm là cách bạn hành xử với người khác, cách bạn tạo ra giá trị. Đừng rơi vào chính cái bẫy của cái Tôi lớn và hãy luôn có ý thức về cách bạn xử xử với mọi người. Và chỉ có như thế, thành công của bạn mới có thể bền vững. Ngược lại, hãy nhớ rằng: Cái gì đến nhanh, cũng có thể mất nhanh.
Cái Tôi lớn cản trở khả năng lắng nghe của bạn
Cách tốt nhất để bạn có thể học là lắng nghe người khác và sau đó sàng lọc, lựa chọn để áp dụng cho chính bạn. Không phải tất cả các lời khuyên đều hiệu quả, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ học được thứ gì nếu bạn luôn nghĩ mình biết mọi thứ và tự hào về cái Tôi lớn của mình. Bạn thậm chí không chỉ không biết mọi thứ, bạn còn chẳng biết đến 1% về thế giới này và thật ngốc nghếch nếu cố tỏ ra bạn hiểu biế như vậy. Thay vào đó, hãy khiêm nhường thừa nhận mình còn cần học hỏi nhiều để trở thành một người học suốt đời. Trở nên dễ thích nghi, linh hoạt, nhanh nhẹn và học cách làm quen với mọi sự thay đổi. Chỉ bằng cách như thế, bạn sẽ luôn có cơ hội tiến lên.
Mà bạn muốn trở thành một hình mẫu tự tin, khiêm nhường hay một người nhỏ nhen, luôn ám ảnh và ghen tuông với người khác nào?
Mọi thứ đều có thể thương lượng
Thay vì việc khăng khăng làm theo ý mình, hãy nhớ rằng không nhất thiết phải tuyệt đối hóa mọi thỏa thuận. Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với những cách tiếp cận tích cực, cởi mở hơn, chẳng hạn “Bạn nghĩ sao nếu chúng ta làm theo cách này?”, “Chúng ta có thể thử làm theo cách kia không?”…. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra rằng, mọi người cũng sẽ tự động cởi mở và tích cực hơn, khi bạn hạ thấp cái Tôi cao vút của mình xuống và trở nên thấu cảm hơn.
“Trong bất kỳ cuộc đàm phán kinh doanh nào, người có cái tôi lớn hơn luôn thua trong dài hạn” – Tim Denning
Đối mặt với thử thách bằng cái Tôi điềm đạm, trưởng thành chứ không phải thái độ tự cao
Thực tế, kiểm soát cuộc sống của bạn chính là kiểm soát tâm trí và suy nghĩ của bạn. Thay thế những suy nghĩ nực cười rằng bạn giỏi giang hơn người khác bằng những suy nghĩ về cách bạn có thể mang lại giá trị gì. Khi mọi thứ khó khăn, hãy đừng cố gắng xử lý bằng được để thỏa mãn cái Tôi của bạn. Hãy hít thở sâu (nghe thì thật sến sẩm), cho mình một giấc ngủ tốt- sau đó bình thản giải quyết, bạn sẽ thấy cách tiếp cận của mình khác hẳn.
Cách hành xử tốt có thể ngăn chặn cái Tôi của bạn
Tất cả chúng ta, những con người đều có thể đôi khi cuốn vào cái Tôi của mình, và điều đó bình thường. Nhưng chúng ta có thể điều chỉnh cách hành xử của mình. Cố tỏ ra lịch sự, quan tâm đến người khác hơn là chăm chăm vào cái Tôi của mình. Đối xử tốt với đối tác để được biết đến như một người tử tế.
Bởi ngay cả khi bạn có một công việc kinh doanh đáng kinh ngạc, nếu bạn để cái Tôi vượt quá tầm kiểm soát, mọi người sẽ không có nhu cầu làm việc với bạn- hiển nhiên. Còn nếu bạn sẵn lòng đối xử tốt với người khác, doanh nghiệp của bạn cũng như vậy, cơ hội cho bạn và doanh nghiệp của bạn chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Cân bằng cái Tôi của bạn
Làm sao để cân bằng giữa sự tự tin và ảo tưởng về cái tôi của chính mình. Bước đầu tiên có lẽ cần loại bỏ những kỳ vọng và phát triển một cái nhìn trung thực về việc bạn thực sự là ai cũng như bạn thực sự muốn gì tỏng cuộc sống. Người ta cũng có thể tạo ra sự cân bằng cái tôi bằng cách xác định những cá nhân mà họ ngưỡng mộ và khao khát để cạnh tranh cũng như những người mà họ muốn nâng cao tinh thần. Hay đơn giản hơn, cần thực sự chú tâm đến bản thân, cũng như cảm giác thật sự của bạn.
————————————–
Xét cho cùng, là con người, ai cũng có ego của mình. Nhưng cũng là con người, sự khác biệt đôi khi đến từ chính việc kỷ luật và kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và thái độ của chính mình. Bởi nếu thành công bền vững là điều dễ dàng, hẳn hàng tỷ người trên thế giới đã cùng nhau thành công. Câu chuyện giờ đây là do bạn tự viết cho chính mình, về việc tự tin và nâng đỡ để cái Tôi của bạn tạo ra giá trị. Hay thổi phồng cái Tôi vô nghĩa của mình và chán nản ghen tỵ với thành công và cái tôi ý nghĩa của người khác.
Chúc bạn thành công, và hạnh phúc!
Linh Đàm
Bài viết đồng thời được đăng tải trên Medium.
—————————————————–
Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.
Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.