“Điều giữ trái tim tôi thức tỉnh chính là sự lặng yên rực rỡ“.
Tôi đến buổi khai mạc của “Lặng yên Rực rỡ”- triển lãm số đầu tiên của hai danh họa Claude Monet và Pierre Bonnard và bị giữ lại bởi câu chia sẻ của chính Monet, chà “lặng yên, mà lại rực rỡ” cơ ah. Tranh ông và Bonnard có gì vậy? Vẻ đẹp rực rỡ của những bức tranh, nói cho ta điều gì, về chính tác phẩm, đời sống của nó, giai đoạn lịch sử nó thuộc về, và hơn hết, là tâm hồn tác giả của nó?
Đó là những ngày giao mùa cuối Xuân, khi người vẫn còn rất mệt vì cúm mà ba ngày kháng sinh rồi, tôi vẫn chưa đỡ. Buổi tối, tôi có thói quen đi dạo rồi trở về nhà trước khi đi ngủ, sự tĩnh lặng của đêm, ánh sáng dễ chịu của những cây đèn đường cao tít tắp, của những hàng cây có tuổi và tâm trạng thanh thản khi không cần nghĩ về công việc…
Tất cả khiến cho tôi có nhiều thời gian để cảm thụ vẻ đẹp của cuộc sống, hay của những thứ giản dị nhất, hoặc cởi mở và kiên nhẫn hơn để tìm về với nghệ thuật…
Và đó là những lúc, tôi lại có thể tiếp tục viết về nó: nghệ thuật, bên cạnh marketing và cuộc sống.
Nếu như Picasso là họa sĩ nổi tiếng với những bức tranh trừu tượng, thì Claude Monet được thế giới biết đến với những bức tranh phong cảnh đầy màu sắc.
Gia đình ông chuyển về Havre vùng Normandie khi ông được năm tuổi. Bố của Monet muốn ông tiếp tục nghề buôn bán thực phẩm khô của gia đình, nhưng Monet chỉ thích vẽ. Eugène Boudin, một nghệ sĩ thường vẽ trên bãi biển Normandie đã dạy Monet một vài kỹ thuật vẽ đầu tiên vào năm 1856.
Claude Monet được coi là bậc thầy trong sử dụng màu sắc. Để tạo ra cuống hoa màu nâu, ông sẽ không sử dụng trực tiếp màu nâu mà pha trộn rất nhiều màu để tạo thành. Mỗi nét cọ không phải một màu mà là hàng trăm tia màu khác nhau. 250 bức tranh hoa súng được Claude Monet vẽ khi sinh thời. Tại bảo tàng Vườn Cam (Pháp), những bức tranh của Claude Monet tạo cảm giác cho du khách như bềnh bồng “đi trên thuyền nhỏ giữa một hồ nước đầy bông súng”.
Trong hai năm 1861 và 1862, Monet phục vụ trong quân đội ở Algérie. Lecadre, một người dì của Monet đồng ý giúp ông ra khỏi quân đội nếu Monet chịu theo những khoa học về nghệ thuật ở trường đại học. Monet rời quân ngũ vào trường đại học, nhưng ông không thích những phong cách hội họa truyền thống được dạy ở đây.
Năm 1862, Monet theo học về nghệ thuật với Charles Gleyre ở Paris. Ông gặp Pierre-Auguste Renoir, người cùng ông sẽ sáng lập ra trường phái ấn tượng. Họ cùng nhau vẽ và tình bạn của họ kéo dài tới tận cuối đời.
Monet làm việc ở một xưởng vẽ và gặp gỡ Camille Doncieux. Họ cưới nhau vài năm sau đó. Camille Doncieux làm mẫu trong rất nhiều bức tranh của Monet, đặc biệt là Femmes dans le jardin, vẽ khoảng cuối những năm 1860. Monet cùng Camille chuyển về một ngôi nhà ở Argenteuil, gần sông Seine, và họ có đứa con đầu lòng. Rồi họ đến sống ở Vetheuil, nơi Camille qua đời ngày 5 tháng 9 1879. Monet đã vẽ cảnh Camille nằm chết trên giường. Sau đó Monet chuyển về một ngôi nhà ở vùng Giverny vùng Haute-Normandie, nơi ông có một khu vườn lớn.
Năm 1892, Monet thành hôn với Alice Hoschede, người tình của ông trong thời gian hôn nhân với Camille.
Ông mất ngày 5 tháng 12 1926 và được chôn cất tại nghĩa trang của nhà thờ Giverny, gần nơi yên nghỉ của người vợ thứ hai.
Suốt cuộc đời mình, Monet có hai niềm đam mê: vẽ tranh và làm vườn. Chính khu vườn ở Giverny mà Monet tự chăm sóc là nguồn cảm hứng bất tận cho những bức họa của ông. Ông nói: “Trong đời tôi phải luôn luôn và luôn luôn có hoa”, “Sự giàu có mà tôi có được đến từ thiên nhiên, nguồn cội cảm hứng sáng tác của tôi”.
“Mọi người bàn luận về nghệ thuật của tôi và vờ rằng họ hiểu, như thể cần thiết phải hiểu, khi mà điều cần thiết đơn giản là hãy yêu nó”.
Trường phái ấn tượng bắt đầu khi một số họa sĩ bài xích những quy chuẩn cứng nhắc đã được học ở trường mỹ thuật. Họ vẽ tranh ngoài trời bằng những nét vẽ nhanh (có thể nhìn thấy được cả những nét quệt, lượn, chấm…), nhấn mạnh đến sự chuyển động của ánh sáng trong tranh nhằm ghi lại chính xác tổng quan khung cảnh thông qua cái nhìn tươi mới về thế giới.
Bất chấp hiệu ứng thị giác mới mẻ và độc đáo, những bức tranh vượt “chuẩn” này đã không được đón nhận vì sử dụng những thủ pháp hoàn toàn xa lạ với nghệ thuật hội họa truyền thống đương thời và nhận sự “ghẻ lạnh” từ các phòng trưng bày tranh lúc bấy giờ.
Năm 1872, Monet vẽ một phong cảnh ở Havre: Ấn tượng mặt trời mọc (Impression, soleil levant), ngày nay được treo tại bảo tàng Marmottan ở Paris. Bức tranh được giới thiệu với công chúng năm 1874 trong cuộc triển lãm ấn tượng đầu tiên. Cuộc triển lãm không thành công như mọng đợi của các họa sĩ và gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhà phê bình. Louis Leroy của báo Charivari đã mỉa mai dùng tên bức tranh của Monet để chỉ phong cách cuộc triển lãm: Ấn tượng. Trong cuộc triển lãm thứ ba của nhóm năm 1876, chính các họa sĩ đã dùng từ này để chỉ phong cách của mình. Thuật ngữ “ấn tượng” nhanh chóng được tiếp thu và phổ biến rộng rãi để rồi sau đó trở thành tên gọi của trường phái hội họa đã từng gây nhiều tranh cãi này.
Bức Ấn tượng, Mặt trời mọc sau đó được trưng bày ở Bảo tàng Marmottan Monet tại thành phố Paris, nước Pháp. Bức tranh này từng bị hai người đàn ông tên là Philippe Jamin và Youssef Khimoun đánh cắp khỏi bảo tàng vào năm 1985. Mãi 5 năm sau, người ta mới tìm thấy bức họa, trả nó lại cho Bảo tàng Marmottan Monet và trưng bày tại đây cho đến ngày nay.
Claude Monet còn được coi là “Họa sĩ của những khoảnh khắc phù du”, “nhà biểu tượng của màu sắc”. Tranh của ông chú ý tới thiên nhiên, coi trọng diễn tả ánh sáng và màu sắc, ghi lại sự tươi mới của ấn tượng ban đầu một cách trung thực tuyệt đối. Ông thường vẽ về đống rơm, về nhà thờ, về hoa súng, hoa trên cánh đồng, về cầu Waterloo và trong loạt tranh vẽ ở những khu vườn. Những bức tranh về khu vườn, hoa súng của ông được công chúng đặc biệt yêu thích.
Trong những năm 1880 và năm 1890, Monet vẽ một loạt những bức tranh cảnh nhà thờ ở Rouen, với những góc nhìn và thời điểm khác nhau trong ngày. Hai mươi cái nhìn về nhà thờ Rouen đã được triển lãm lại phòng tranh Durand-Ruel năm 1985. Ông cũng vẽ một sê ri tranh về những bó cỏ khô trên đồng.
Thường ngày, Monet thích vẽ những gì ông tận mắt nhìn thấy. Nhưng tới năm 1911, ông mất hoàn toàn thị lực mắt phải. Và tới năm 1922, mắt bên trái của ông cũng yếu dần… Ông gần như trở thành người mù lòa. Sau đợt mổ mắt, mắt Monet bắt đầu có những biến chứng khác, như nhìn đôi, biến dạng hình ảnh, màu sắc không thực. Tuy bị căn bệnh hoành hành song Monet vẫn không chịu rời giá vẽ… Kết quả là, những bức tranh do Monet thực hiện từ năm 1923 trở đi đều mang màu sắc lạnh, vì ông chỉ nhìn thấy được màu xanh, không nhìn thấy màu đỏ, màu vàng… Những bức tranh cuối đời của ông tràn đầy niềm cô đơn và tuyệt vọng…
Năm 1871, Claude Monet đã chuyển tới Argenteuil, quãng đẹp nhất của sông Seine, nơi lòng sông rộng và sâu nhất. Tại đây, ông mua một chiếc thuyền và biến nó thành một phòng vẽ cá nhân. Họa sĩ người Pháp thường neo thuyền gần nhà mình và vẽ những gì ông đang nung nấu. Sống chung với Monet ở Argenteuil là người vợ, Camille Doncieux và con trai của họ, Jean. Camille đã trở thành người mẫu tranh của Monet từ khi họ gặp nhau vào năm 1865 và từ đó sống với nhau trong cảnh nghèo khó. Kể từ đó cho tới khi qua đời, Camille luôn là một “nàng thơ” mờ ảo trong tranh Monet. Nhiều bức tranh của “cha đẻ” trường phái ấn tượng vẽ vợ mình trong bối cảnh gương mặt được che kín hoặc giấu mặt.
Năm 1876, bà Camille ngã bệnh với căn bệnh nan y là ung thư cổ tử cung. Tình trạng sức khỏe xuống dốc của bà được thể hiện rõ trong bức tranh Camille Holding a Posy of Violets. Nàng thơ của Monet lộ vẻ xanh xao, mệt mỏi, già nua.
VCCA- Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom hiện đang tổ chức triển lãm “Lặng yên Rực rỡ”. Triễn làm miễn phí vào cửa mỗi ngày đến hết 24.04.2021- một cơ hội tuyệt vời để bạn trải nghiệm nghệ thuật kinh điển.
Linh Đàm
—————————————————–
Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.
Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.