Life

Soul- Pixar: Quên mục đích đi, hãy tìm “tinh cầu” của bạn

Joe Gardner đã chú tâm vào giấc mơ trở thành một nhạc công jazz nổi tiếng đến mức điều đó ám ảnh và anh không dừng lại đến dù chỉ một chút để cảm nhận cuộc sống”.

“Đối với những nhà thơ và những nhà hiền triết, vạn vật đều thân thiện và thiêng liêng, mọi trải nghiệm đều quý giá, ngày nào cũng trang trọng và tất cả mọi người đều cao quý như nhau”.

Nhưng còn chúng ta. Chúng ta định làm gì với cuộc sống của mình? Câu hỏi tưởng chừng xuyên suốt Soul vì đến gần kết thúc phim vẫn chưa được trả lời bởi những lý do chính đáng.

Sức mạnh thương mại của những bộ phim Pixar nằm ở chỗ, nhà sản xuất phim sản xuất ra những bộ phim hoạt hình nhưng người lớn thậm chí còn “mê” hơn cả lũ trẻ. “Soul” tiếp tục là một bộ phim như vậy. Trong khi nhiều bộ phim hoạt hình khác khiến các bậc cha mẹ hài lòng với những trò đùa và quan sát hài hước, câu chuyện cốt lõi của “Soul” nhắm thẳng vào niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của hầu hết người lớn đang xem. Đôi khi ta cảm thấy không dễ chịu khi nhận ra mình trong chính bộ phim như thế.

Soul theo chân Joe Gardner (Jamie Foxx lồng tiếng), một giáo viên dạy nhạc cấp hai, khi anh cố gắng tìm ra mục đích sống của mình. Joe là một người chơi piano có năng khiếu nhưng lại cảm thấy bế tắc. Anh ước mơ trở thành huyền thoại nhạc jazz, anh chơi nhạc tại các câu lạc bộ và phòng hòa nhạc danh tiếng. Nhưng mẹ anh lại có ý kiến khác, bà nghĩ anh phải kiếm một công việc ổn định với chế độ lương hưu và bảo hiểm y tế chắc chắn.

Giống như Joe, nhiều người trong chúng ta bị ám ảnh bởi cảm giác rằng chúng ta cần tìm ra mục đích sống. Chúng a cảm thấy ghen tị với những người nổi tiếng, bởi vì họ đã tìm thấy mục đích của mình bằng cách giỏi một thứ gì đó. Nhiều người trong chúng ta chỉ khao khát sự giàu có hoặc danh vọng, ngay cả khi những điều đó đạt được bằng những cách vô nghĩa, nhưng danh tiếng và tiền bạc đó lại có thể là đại diện cho mục đích.

Chúng ta ám ảnh về sự nghiệp, sở thích của mình hoặc trở thành người cha người mẹ hoàn hảo, nghĩ rằng dù chỉ một lựa chọn sai lầm thôi có thể sẽ khiến chúng ta chệch hướng; chệch hướng mục tiêu trở nên phù hợp với một khuôn mẫu hoàn hảo nào đó đang chờ đợi chúng ta trong tương lai: một khuôn mẫu nào đó có mục đích sống. Điều này đến từ đâu ư?

Cái chết- Thế giới bên kia – Của Mục đích sống

Trong các xã hội có thứ bậc cứng nhắc trước thời đại hiện đại, mọi người đều có một mục đích. Các xã hội được cấu trúc giống như một kim tự tháp. Trên đỉnh của kim tự tháp là vua hoặc hoàng đế. Quốc vương đã được Đức Chúa Trời phong chức, và mọi người đều nghĩ rằng họ có “chỗ đứng trong cuộc sống” nhờ vào ý muốn của Đức Chúa Trời.

Nhà vua cai trị thông qua các quý tộc và các nhà lãnh đạo tinh thần, những người này tiếp tục cai trị trên các lãnh chúa, các lãnh chúa lại lần lượt cai trị các nghệ nhân, thương gia, nông dân và nông nô. Tất cả mọi người sẽ cảm thấy họ có một vị trí trong cuộc sống. Có rất ít cuộc cách mạng trong thế giới trước hiện đại này.

Nhưng đến thế kỷ 19, tất cả bắt đầu đổ vỡ. Sự Khai sáng và những tiến bộ của khoa học đồng nghĩa với việc người ta bắt đầu đặt câu hỏi về câu chuyện thường được truyền tụng rằng con người là trung tâm của vũ trụ, rằng mọi thứ đều có ý nghĩa và mục đích theo ý muốn của một vị Chúa gia trưởng.

Charles Darwin đã xuất bản Nguồn gốc của các loài và những đột phá đang được thực hiện trong các lĩnh vực như tâm lý học và vật lý học. Sau các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp lấy cảm hứng từ thời Khai sáng, trật tự xã hội nhất định tự nó gặp khó khăn. Nhiều cuộc cách mạng quét qua châu Âu vào giữa thế kỷ này, phá vỡ cấu trúc thứ bậc cứng nhắc trước đây- vốn đã là một chủ nghĩa lạc hậu.

Những xã hội này trở thành thế tục. Nhà thờ và nhà nước bị tách biệt. Ngay cả những vị vua đang ngồi cũng không còn được Đức Chúa Trời chấp thuận nữa. Chính trị trở nên hợp lý hóa hơn và các tầng lớp trung lưu (trước đây là tầng lớp thương nhân và nghệ nhân) bắt đầu nắm giữ nhiều quyền lực hơn không vì lý do gì khác ngoài ảnh hưởng kinh tế.

Nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche đã nhìn thấy một cuộc khủng hoảng tinh thần đang đến. Trong cuốn sách “The Joyful Science” (1882), ông viết:

“Chúa đã chết. Chúa vẫn chết. Và chúng ta đã giết ông. Chúng ta phải tự an ủi mình như thế nào đây, kẻ giết người của tất cả những kẻ giết người? Những gì thiêng liêng nhất và hùng mạnh nhất mà thế giới từng sở hữu đã đổ máu đến chết dưới nhát dao của chúng ta: ai sẽ quét sạch vết máu này khỏi chúng ta? Dòng nước nào giúp chúng ta tự gột rửa? Chúng ta sẽ phát minh ra những lễ hội chuộc tội nào, những trò chơi thiêng liêng nào? Chẳng phải sự vĩ đại của việc làm này quá lớn đối với chúng ta sao? Có phải chúng ta phải tự trở nên thần thánh chỉ đơn giản là để tỏ ra xứng đáng với nó sao? “

Nietzsche không có ý là Chúa đã chết theo nghĩa đen, mặc dù ông ấy là một người vô thần. Chúa có thể vẫn tồn tại và tuyên bố này vẫn sẽ đứng vững. Đoạn văn là một câu chuyện ngụ ngôn về cách mà nền văn minh phương Tây không còn có trọng tâm gọi “Chúa” để giữ mọi thứ lại với nhau. Trọng tâm của khái niệm Chúa đã bị thay thế bởi sự tin tưởng vào lý trí và khoa học.

Nhưng Chúa đã ban cho chúng ta ý nghĩa và mục đích, và nếu không có Chúa, nền văn minh phương Tây đã bị ám ảnh với nỗi lo lắng về mục đích. Những câu hỏi như “tại sao chúng tôi ở đây?” và “chúng ta nên sống cuộc sống của mình như thế nào?” được trả lời dễ dàng hơn trong các xã hội tôn giáo có cấu trúc tốt, đôi khi hơn xã hội hiện tại.  

Điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tập thể và cá nhân về mục đích và ý nghĩa. Như Nietzsche đã viết, về “cái chết của Chúa”:

“Ai đã cho chúng ta miếng bọt biển để quét sạch cả đường chân trời? Chúng ta đã làm gì khi tách trái đất khỏi mặt trời? […] Có phải chúng ta không tiếp tục rơi mãi không? Lùi lại, sang ngang, về phía trước, theo mọi hướng? Có phải chúng ta không đi lạc như thể xuyên qua một hư không vô hạn? Chúng ta không cảm thấy hơi thở của không gian trống rỗng sao? ”

Trong các xã hội thế tục, dân chủ và (phần nào) dân chủ của chúng ta, một cấu trúc cứng nhắc trong đó mọi người có “vị trí của mình” không còn tồn tại nữa.

Nhưng mục đích rất khó để rũ bỏ, đặc biệt là trong một khoảng trống. Chúng ta vẫn nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta được tìm thấy có ý nghĩa và chúng ta có mục đích.

Mọi người vẫn tin sâu thẳm rằng ai cũng cần phải có mục đích cho riêng mình – chính mục đích này mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có xu hướng ám ảnh về việc tìm kiếm mục đích của mình. Chúng ta đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để tìm ra mục đích của mình. Nhưng, ynghĩa của cuộc sống là gì lại là một câu hỏi dai dẳng mà mọi người vẫn đặt ra bao thế kỷ nay.

Đó là những gì Nietzsche có nghĩa là sử dụng ngôn ngữ lớn như vậy về “trò chơi thiêng liêng” và “lễ hội chuộc tội”. Ông ấy đang nói: mọi người sẽ đối phó với mọi thứ kiểu gì khi không tìm ra ý nghĩa đây? Nếu Chúa ra đi, con người không bị ràng buộc bởi bất kỳ mục đích nào, họ sẽ trở nên mất mát và lang thang cả đời.

Mọi người cần ý nghĩa sống, và nếu họ không được trao cho một ý nghĩa sống, họ có thể có hành động cực đoan để tìm ra nó. Nietzsche châm biếm rằng con người thà có trở nên trống rống vì mục đích sống hơn là trống rỗng không có mục đích sống. Những tệ nạn của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX đã cho thấy rằng con người sẽ phải đi đến cùng cực để tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới mà họ tin là vô nghĩa.

Tinh cầu

Trong Soul, các nhân vật thường đề cập đến “tinh cầu”. Trong một thời gian dài, Joe nhầm lẫn giữa “tinh cầu” với “mục đích”. Anh ấy nghĩ tinh cầu của chúng ta là ý nghĩa mà chúng ta có cho cuộc sống của mình, là điều mà chúng ta được số phận định đoạt để làm.

Nhưng tinh cầu thực sự là “tia sáng của cuộc sống” – sự nhiệt tình sống vì lẽ sống. Có rất nhiều khoảnh khắc tuyệt đẹp trong phim, nơi người bạn đồng hành không chắc chắn của Joe, “22” (Tina Fey), trải qua những khoảnh khắc hàng ngày – nếm một chiếc bánh pizza, cảm nhận luồng không khí tràn qua lỗ thông hơi tàu điện ngầm, nhìn thấy một hạt phong rơi từ một vòm cây – như siêu việt. “Tinh cầu” giờ chính là: có thể sống trong từng khoảnh khắc và trân trọng nó bằng tất cả tâm hồn của bạn.

Joe coi đó là điều hiển nhiên, những khoảnh khắc đẹp đẽ lặng lẽ vì anh bị ám ảnh bởi việc nhận ra mục đích của mình. Anh ấy tập trung và lo lắng về việc trở thành một ngôi sao nhạc jazz đến nỗi anh ấy không hề trân trọng niềm vui bởi đơn giản anh được sống.

Như một phần chính luận của The Joyous Science, Nietzsche đã trích dẫn bài luận “Lịch sử” của nhà triết học và nhà thơ người Mỹ Ralph Waldo Emerson: ” Đối với những nhà thơ và những nhà hiền triết, vạn vật đều thân thiện và thiêng liêng, mọi trải nghiệm đều quý giá, ngày nào cũng trang trọng và tất cả mọi người đều cao quý như nhau”.

Cuộc sống giống như một buổi khiêu vũ, ở đây không có mục tiêu phải khiêu vũ ra sao nhưng bất cứ bước nhảy nào cũng có tầm quan trọng. Trên hết, ta cần cảm thấy vui vẻ, bằng tất cả mọi cách. Bạn có thể sống với mục đích mà không cần mục đích.

Thật thú vị khi âm nhạc đóng một phần quan trọng như vậy trong “Soul”, bởi vì bản thân âm nhạc, cho dù chúng ta yêu thích nó đến đâu, cũng không có mục đích. Về mục đích và mục tiêu, Nietzsche viết,

“Kết thúc của một giai điệu không phải là mục tiêu của nó (mà là cảm giác khi phiêu trên giai điệu xuyên suốt); nhưng dù sao, nếu giai điệu chưa đạt được kết thúc thì nó cũng sẽ không đạt được mục tiêu. ” Đối với Nietzsche, đây là một câu chuyện ngụ ngôn để đời. Không có “đích đến” hoặc “hoàn thành” trong một giai điệu. Bản thân giai điệu, được thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn tới khán giả, đã là một mục tiêu được hoàn thành.

Nguồn: https://medium.com/the-sophist/the-philosophy-of-pixars-soul-b23bcf96bf16

Linh Đàm

Bài viết đồng thời được đăng tải trên Medium.

—————————————————–

Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.

Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.

1 Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��