Life

Bí mật của George Soros

Rốt cuộc, trí thông minh hay chứng đau lưng đã giúp George Soros tránh được những thương vụ đầu tư thất bại?

Truyền thông đã dành không ít bút mực để phân tích về công thức của thành công. Nhiều người nói trí thông minh chiếm tỷ trọng lớn trong việc quyết định tương lai mỗi người. Những người khác quả quyết bên cạnh IQ cao, sự chăm chỉ, kiên định đóng vai trò quan trọng không kém. Đam mê, sáng tạo, khác biệt cũng là những khái niệm “thời thượng” được ưu ái dành cho những cái tên trẻ tuổi thành đạt…

Phải chăng tất cả đều có thể diễn đạt và phân tích rành rọt? Và nếu quả thật như vậy, liệu cuộc sống còn thú vị như bản chất của nó? Câu trả lời may mắn thay là không. 

Ít nhất có một yếu tố tưởng chừng kém logic, hiếm được nhắc tới nhưng có lẽ cũng không cần thiết khi những ví dụ điển hình đã đủ để công chúng phải nghiêm túc thừa nhận ý nghĩa của nó. Họ gọi yếu tố đó là trực giác.

Không có định nghĩa chính xác về trực giác. Thậm chí càng đi sâu tìm hiểu bí ẩn về trực giác của con người những khám phá càng trở nên khó hiểu. Về cơ bản, trực giác là quá trình tạo ra cho con người khả năng hiểu biết sự việc trực tiếp mà không cần đi qua những bước như lập luận và phân tích, là cầu nối giữa ý thức và tiềm thức, giữa bản năng và lý trí trong mỗi người.

George Soros, ông trùm đầu cơ người Mỹ gốc Do Thái là ví dụ sống động cho việc thành công nhờ tận dụng trực giác. Không ít lần trước những thương vụ đầu cơ bạc tỷ, Soros đều cảm thấy đau nhói ở lưng và ông tin đó là dấu hiệu cho một kết cục không như mong đợi. Nhiều người cho rằng quan niệm như vậy là phi logic. Nhưng George Soros kiên quyết cân nhắc lại quyết định của mình, rút lui và thực tế chứng minh rằng ông đúng. 

Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết Định luật Tuần hoàn các Nguyên tố Hoá học của Mendeleev không xuất hiện trong phòng thí nghiệm vào lúc 9h sáng mà xuất hiện ngay trong giấc mơ của nhà khoa học một cách vô cùng toàn diện và đầy đủ tới mức ông chỉ việc ngồi dậy và ghi chép lại. 80% trong số 253 hoạ sĩ, nhạc sĩ và nhà văn trong nghiên cứu của Tiến sĩ Eliot Hutchinson thừa nhận, linh cảm giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của họ.

Kết luận của Giáo sư Weston Agor tại trường Đại học Texas, Hoa Kỳ cho thấy, trực giác ở các lãnh đạo cấp cao tốt hơn nhiều so với nhân viên bình thường. Ông nói: “Bạn gọi đó là linh cảm, trực giác hay giác quan thứ sáu cũng được. Họ nhìn thấy những điều người khác không thấy và đó chính là nguyên nhân đưa họ lên vị trí cao hơn”. 

Thế giới mà chúng ta đang sống tồn tại những lời khuyên về thành công được đưa ra hàng ngày; kiến thức mới lấy dễ dàng bằng việc rút smartphone trong túi quần và trỏ tay tìm kiếm; bạn chẳng cần có quan điểm, bất kỳ vấn đề nào cũng sẽ được truyền thông chính thống hay không mổ xẻ tận răng và hiện lên mục “tin tức mới” trên Facebook của bạn.

Nhưng khi mà những điều chúng ta có được, người khác cũng có, thì có lẽ một trực giác thấu cảm và nhạy bén là thứ bạn cần trang bị cho mình. 

Nhưng tin tôi đi, George Soros (Dmitri Mendeleev hay nhiều người nữa) sẽ phì cười nếu bạn đọc tới đây và lại trỏ tay Google “trực giác là gì” hoặc “10 cách để có một trực giác tinh tế”. Lý thuyết và đúc kết sách vở không bao giờ là đủ với trải nghiệm.

Trực giác cũng vậy, nó chỉ đến khi bạn đã đau đáu theo đuổi lựa chọn của mình với tất cả kinh nghiệm và hiểu biết có thể. Và lúc đó, những bí mật của Soros hoặc bất cứ ai hoá ra lại chẳng còn quan trọng. Tương tự, thay vì tìm kiếm thêm một mớ lý thuyết mới, bạn đọc xong bài viết của tôi và bắt tay trải nghiệm với lựa chọn của mình, tôi sẽ lấy làm hạnh phúc hơn nhiều. 

Ngoài lề: Có lẽ bồn tắm là nơi tốt nhất để trực giác của con người thăng hoa mà dẫn chứng sống động là trường hợp của Archimedes. Chỉ có điều dường như giây phút tìm ra lý thuyết về lực đẩy không chỉ có Archimedes thốt lên “Eureka- Tôi đã phát hiện ra rồi” mà nhiều cư dân Hy Lạp cổ cũng đã “Eureka” khi thấy thiên tài của chúng ta quên mặc quần áo và hò hét trên phố!

Linh Đàm

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. 

Bài viết gốc: Trí thông minh hay chứng đau lưng giúp George Soros tránh đầu tư thất bại?– CafeBiz, Tháng 7/2014

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��