Art

Nỗi buồn của Van Gogh

“Người đàn ông ấy cô đơn đến mức nào, mà một con quạ sà xuống trộm thức ăn cũng làm ông hạnh phúc?”.

Thiên tài cô độc

ile:Vincent van Gogh - Self-Portrait - Google Art Project (454045).jpg
Chân dung tự họa, 1887

Mỗi người sẽ có những cảm xúc riêng khi xem tranh Van Gogh, dù hầu hết những tác phẩm của ông đều rất đẹp. Nhưng ấn tượng đầu tiên, mạnh mẽ và xuyên suốt những lần xem tranh Van Gogh với tôi là cảm giác mất mát. Dù đó là những bức vẽ chân dung, đoá hoa, cánh đồng hay phong cảnh… Những tác phẩm càng ngắm càng trào lên một nỗi buồn, một thứ gì đó thiếu vắng, không thể khoả lấp…

Nhắc đến Van Gogh, người ta nhắc đến một trong những danh hoạ lớn nhất mọi thời đại, nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và người có ảnh hưởng lớn tới mỹ thuật hiện đại. Van Gogh cũng đồng thời là nghệ sĩ sở hữu nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và đắt nhất thế giới. Dù chỉ thực sự vẽ tranh trong suốt 10 năm cuối đời, nhưng ông đã để lại hơn 2100 tác phẩm, gồm 860 bức tranh sơn dầu và hơn 1300 bức vẽ, phác thảo và bản in màu nước. 

Nếu có một công thức nào cho mối liên hệ giữa tài năng và hạnh phúc, Van Gogh hẳn sẽ sống một cuộc đời viên mãn. Nhưng có lẽ định mệnh đã muốn Van Gogh sống một cuộc đời “đặc biệt” và đi đến tận cùng… 

Cuộc đời ấy khi nhìn lại có thể sẽ giúp ta hiểu hơn thứ cảm giác mất mát khi xem tranh của ông. Ngay từ khi chào đời, Van Gogh đã được đặt tên theo tên của một người anh đã mất, Vincent Van Gogh- người mà với mẹ ông thì Van Gogh không bao giờ sánh bằng. 11 tuổi, ông đã phải xa gia đình để học tại trường nội trú. Trong mắt em gái Elizabeth hình ảnh của Van Gogh thời thơ ấu thậm chí được miêu tả “luôn nghiêm túc thái quá và khó giao tiếp, luôn quanh quẩn trong nhà dưới trạng thái mơ màng và đầu thì cúi thấp”. Về sau, Van Gogh tự nhắc lại thời niên thiếu của mình như một giai đoạn u tối, lạnh lẽo và cằn cỗi. 

Đến tuổi trưởng thành, Van Gogh một lần nữa bị cuộc đời từ chối. Ông bắt đầu với công việc của một nhân viên bán tranh (theo truyền thống gia đình) rồi làm giáo viên, thậm chí nối nghiệp cha làm truyền giáo tại một vùng mỏ nghèo ở miền Nam nước Bỉ. Tuy nhiên ông không thành công ở bất kỳ công việc nào. Thậm chí những người quản lý giáo phận còn thải hồi ông vì lý do chọn cách sống khổ hạnh, ngủ trên nệm rơm trong lều và ăn uống đạm bạc làm “hạ thấp phẩm cách của một giáo sĩ”.  Van Gogh bắt đầu vẽ tranh từ năm 27 tuổi và liên tục cho đến lúc chết ở tuổi 37 nhưng cả đời chỉ bán được duy nhất một bức với giá rẻ như cho. 

Gần như cả cuộc đời Van Gogh phải chung sống với nghèo đói và đủ loại bệnh tật: tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng, giang mai, ngộ độc màu vẽ, động kinh và rối loạn chuyển hoá porphyrine cấp tính. Van Gogh đã nhiều lần phải vào nhà thương điên để chữa bệnh. Thêm vào đó, phong cách sống kham khổ, ăn uống tằn tiện để dành tiền mua đồ vẽ, làm việc quá sức, mất ngủ và nghiện rượu khiến sức khoẻ của Van Gogh càng ngày càng đi xuống. Nếu bạn đã từng xem “Khát vọng sống” (Lust for Life) – một trong những bộ phim kinh điển về ông, có thể bạn sẽ một lần nữa đau lòng… khi chứng kiến Van Gogh- tác giả của những bức tranh triệu USD từng phải ngậm ngùi thừa nhận một căn phòng cho thuê với giá vài franc là quá đắt so với mình. Trước khi chết, trong một lần tranh cãi với người bạn Gauguin, ông còn tự cắt một bên tai trái của mình.

Hoa diên vĩ, 1889

Những bức vẽ của Van Gogh, không chỉ đẹp hay buồn mà còn ánh lên cảm giác lạnh lẽo, giằng xé khó tả. Để xoa dịu cảm giác cô đơn, tuyệt vọng khi Paul Gauguin bỏ đi, Van Gogh vẽ “Hoa diên vĩ”, bức tranh kỳ diệu đến nỗi Monet phải thốt lên: “Làm sao mà một con người vào lúc ấy lại có thể yêu hoa và ánh sáng, lại có thể vẽ được tuyệt vời đến thế, loài người có đau khổ đến thế vậy không? Bức tranh vừa co quắp vừa lóng lánh, trên đó có một vệt trắng xuất hiện như một niềm hoài vọng về sự yên bình không bao giờ đến…”.

Van Gogh không có được sự ủng hộ của gia đình và phần lớn làm việc xa nhà. Ở những nơi xa lạ ông đến, không có nhiều người dành tình cảm cho ông. Thậm chí trong những năm cuối đời, những người hàng xóm còn yêu cầu cảnh sát đóng cửa ngôi nhà của Van Gogh tại Arles. Cả cuộc đời, những người yêu thương ông có lẽ chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay như em trai Theo, người Bưu tá già, hoạ sĩ Gauguin, bác sĩ Gachet…

Chuyện tình yêu của Van Gogh cũng gặp nhiều trắc trở. Trái tim của ông rung động theo những cách rất khác: Van Gogh có tình cảm với con gái bà chủ nhà trọ ở London nhưng bị cô từ chối với lý do đã hẹn hò người khác. Van Gogh đem lòng yêu người chị họ Kee Vos- Stricker, một phụ nữ đã có một cậu con trai 7 tuổi. Ông thậm chí đã ngỏ lời cầu hôn nhưng Kee cũng từ chối thẳng thừng. Trong cơn tuyệt vọng, Van Gogh đã hơ bàn tay trái lên ngọn lửa đèn và gào thét: “Hãy cho tôi nhìn thấy cô ấy chỉ trong thời gian tôi có thể để tay trên ngọn lửa này” nhưng cũng không được đáp lại. Những giờ phút hạnh phúc nhất của ông có lẽ là giai đoạn sống bên cạnh người cô gái điếm nghiện rượu Sein và đứa con bé nhỏ của cô. Để rồi tất cả cũng kết thúc trong đổ vỡ. Giai đoạn sống tại Neunen, con gái người hàng xóm của Van Gogh phải lòng ông và hai người quyết định hứa hôn nhưng bị sự phản đối của gia đình…

Cuộc sống này kỳ lạ, nó trìu mến và cũng thật trớ trêu. Đến mức chính Van Gogh cũng chia sẻ: “Tâm tưởng tôi chẳng mấy khi thoải mái, có lẽ do cả cuộc đời tôi chưa bao giờ hưởng một giây phút bình yên. Tất cả những gì tôi có chỉ là thất vọng cay đắng và điều này bao trùm toàn bộ sự nghiệp sáng tác của tôi“. 

Nhưng cuộc sống còn kỳ diệu hơn nữa, khi nếu để ý thật kỹ và thật sâu, bạn có thể thấy thêm rằng dù có khó khăn thế này, Van Gogh chưa bao giờ ngừng đam mê vẽ. 

Theo

Theodorus Van Gogh có lẽ là người quan trọng nhất trong cuộc đời của Van Gogh, người đã luôn lo lắng và hỗ trợ tài chính cho ông. Theo ngưỡng mộ anh trai trong suốt cuộc đời mình nhưng việc giao tiếp với Vincent rất khó khăn, ngay cả trước khi anh trai ông theo đuổi con đường nghệ thuật. Theo thường lo ngại về tình trạng tâm thần của Vincent và là một trong số ít người hiểu anh trai mình.

Tình anh em giữa của họ đã được ghi lại qua rất nhiều lá thư họ trao đổi kể từ tháng 8 năm 1872. 

elated image
Chân dung tự hoạ, 1887

Nhiều chuyên gia cho rằng một số tự hoạ của Van Gogh thực chất là vẽ Theo, em trai ông.

Tôi không biết định nghĩa thế nào là một người mắc bệnh thần kinh, tôi chỉ biết khi đọc những lá thư của Van Gogh viết cho Theo, tôi chỉ thấy một con người với trái tim đầy lòng trắc ẩn và cảm xúc. Những chia sẻ của Van Gogh thậm chí có thể đúc kết lại thành những bài học, triết lý sống cho không ít người như bức thư dưới:

“Trong cuộc đời của một hoạ sĩ, cái chết có lẽ không phải là thứ khó khăn nhất. Với anh, anh nghiệm ra mình không biết gì về nó. Nhưng, những ánh sao kia luôn làm anh mơ ước. Tại sao anh lại nhủ với chính mình rằng những đốm sáng ấy là một cuộc cá cược mà chúng ta không thể hiểu được? Có lẽ chúng ta có thể chết đi để vươn đến một vì sao và ra đi một cách thanh thản ở tuổi già để có thể đến đó bằng đôi chân”. 

“Em phải thật sự hiểu anh thật sự tôn trọng nghệ thuật đến dường nào. Một nghệ sĩ cần phải làm việc lâu dài và cật lực hòng đến được chân lý. Điều anh muốn và đặt làm mục tiêu khó khan chết đi được, nhưng anh không tin là mình đang vươn quá cao. Anh muốn tạo ra những bức tranh có thể lay động một số người… Chí ít chúng chứa đựng một điều gì đó đến từ chính cảm xúc của anh…”

Bất cứ hình ảnh nào trong cuộc sống cũng đều có thể mang lại cảm xúc và khiến Van Gogh muốn ghi lại bằng nét vẽ của ông. Dù đó là cảnh thiên nhiên hay con người, những đoá diên vĩ, hướng dương đặt trong bình, hay nở ngoài vườn, cảnh một người gieo hạt, cảnh những người nông dân vui vẻ ăn khoai sau ngày làm việc vất vả, căn phòng bé nhỏ 7m2 nơi ông sống, hay thậm chí là một đôi giầy cũ… Marguerite Gachet, con gái của bác sĩ Gachet từng nói về Van Gogh: “Không có chi tiết nào trên đời là quá nhỏ hay khiêm tốn với ông ấy. Ông ấy trân trọng và quý mến tất cả”

Bác sĩ Gachet cũng là một người có nhiều gắn bó với Van Gogh bên cạnh Theo, đặc biệt trong những năm tháng cuối cùng. Những lá thư của Van Gogh viết cho Theo cũng kể về Gachet: “Anh đã tìm thấy một người bạn thật sự ở nơi bác sĩ Gachet, giống như một người anh trai, bọn anh giống nhau không chỉ ở hình hài mà còn ở tinh thần”. 

Sự thân thiết tìm thấy ở bác sĩ Gachet đã khiến Van Gogh thực hiện bức chân dung Gachet với đầy vẻ u sầu – bức tranh sau này trở thành một trong những bức vẽ đắt nhất thế giới, từng được bán với giá 82.5 triệu USD. Đối với Van Gogh, hình ảnh bác sĩ Gachet trong tranh như “đang nhăn nhó với những ai nhìn ngắm bức tranh này”. Đó là khuôn mặt mang “nỗi buồn của thế hệ”.

Chân dung Bác sĩ Gachet, 1890

Những cơn suy nhược thần kinh cuối cùng đã khiến Van Gogh đi đến quyết định tự tử. Ngày 27/7/1890, trên một cánh đồng hoa hướng dương, Van Gogh tự bắn vào ngực mình bằng một khẩu súng lục. Trong cuốn tiểu thuyết Khát vọng sống “Lust for Life” sau này, nữ nhà văn Iving Stone từng mô tả lại những giằng xé nội tâm của Van Gogh trước khi ông bóp cò kết liễu hành trình 37 năm sống của mình. 

“Anh muốn xin thế giới tha thứ cho anh. Dù sao thì đây cũng là một thế giới tuyệt diệu. Như Gauguin từng nói: Ngoài chất độc ra, còn có chất giải độc. Giờ đây, khi giã từ thế giới này, Vincent muốn chia tay với nó, muốn chia tay với tất cả những người bạn đã giúp anh tìm ra con đường của mình… Và cuối cùng, anh muốn chia tay với cậu em Theo yêu quí, một người đã khổ vì anh biết bao nhiêu, đã yêu quý anh biết nhường nào, người em tốt nhất, dịu hiền nhất trong số những người anh em trên trái đất này…

Anh ngẩng đầu lên nhìn mặt trời, anh gí súng vào sườn rồi bóp cò. Anh ngã xuống, mặt vùi vào lớp đất màu mỡ, thơm phức. Đất mềm mại lún xuống bên dưới anh, như thể anh lại quay trở về lòng mẹ”. Hai ngày sau – 29/7/1890, Van Gogh mất vì vết thương quá nặng. 

Sau này, Theo từng chia sẻ lại: 

Tôi biết, anh ấy đã tiên đoán được số phận của mình và không muốn sống. Khi tôi ngồi cạnh và nói rằng tôi có thể giúp vượt qua nỗi tuyệt vọng, anh ấy đã khẳng định: Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi. Anh muốn được chết như anh mong đợi”.

Quá đau buồn trước cái chết của Vincent, sáu tháng sau, Theo cũng nhập viện và qua đời. Đến 1914, Theo được cải táng về bên cạnh người anh trai yêu quý của ông.

Những đoá hướng dương nở mãi…

Tĩnh vật: Lọ với mười lăm bông hoa hướng dương, 1888

Lúc còn sống, hướng dương là một trong những nguồn cảm hứng bất tận để Van Gogh sáng tạo ra những kiệt tác về hoa, bên cạnh hoa diên vĩ, hạnh nhân…  Các nhà nghiên cứu nói rằng khi vẽ hoa hướng dương, tâm trạng của Van Gogh đạt trạng thái tốt nhất, và đó cũng là những giây phút vui vẻ hiếm hoi trong cuộc đời ông. Sắc vàng đối với Van Gogh là biểu tượng của ánh mặt trời, sự ấm áp, tình bạn, niềm vui và hạnh phúc. Trong văn học Hà Lan, hoa hướng dương còn là biểu tượng của sự hy sinh, sự cống hiến tận tuỵ và lòng trung thành. Cho tới lúc chết, đám tang của Van Gogh cũng được phủ đầy bằng những đoá hoa hướng dương- loài hoa ông yêu thích. 

Nếu để ý, bạn sẽ để ý những đoá hoa hướng dương trong tranh Van Gogh thường là những đoá hoa sắp tàn, u buồn, như trái tim của người nghệ sĩ- người mà đến lúc chết, câu cuối cùng muốn nhắn gửi lại vẫn là: “Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi”.

Đồng lúa mỳ với những con quạ, 1890.

Đây được cho là bức tranh cuối cùng của ông

Tôi nghĩ: đúng, nỗi buồn của ông đã kéo dài mãi mãi, ám ảnh người xem tới hàng trăm năm sau. Nhưng ở một khía cạnh khác, đôi khi tội đã tự hỏi, liệu Van Gogh có cô độc và bất hạnh như ta tưởng, khi cả cuộc đời ông đã luôn có hội họa, sự thỏa mãn thậm chí thăng hoa trong nghề nghiệp bầu bạn? Và vượt lên nỗi buồn ấy, có phải cái đẹp, ước mơ cũng đã kéo dài như những đoá hướng dương bất tử, như trái tim vĩnh viễn khát khao sống của ông?

….…………………………….

Tôi đã viết đến những dòng cuối cùng về Van Gogh.

Sau tất cả không hiểu sao tôi thấy được an ủi, rằng Van Gogh đã sống thêm một lần nữa, dù chỉ là trong trái tim tôi – một người vô danh yêu mến ông

Linh Đàm

Tái bút: Theo lẽ thường, một người coi viết lách là công việc như tôi cần biết được khi nào nên dừng lại. Nhưng với Van Gogh, tôi nghĩ nên dành cho ông ngoại lệ, hoặc chính tôi không có quyền cắt bỏ điều gì, ví dụ như những dòng của hoạ sĩ Emile Bernard viết cho Van Gogh khi ông ra đi như thế này:

“Tại căn phòng nơi ông đang nằm bất động, những bức toan dang dở lặng lẽ làm nên một vầng hào quang, khiến tất cả những người có mặt thêm đau buồn và thương tiếc. Tấm vải trắng giản dị với rất nhiều hoa hướng dương – loài hoa ông yêu thích được phủ lên quan tài.

Trên sàn nhà, trước quan tài là những thứ quen thuộc của ông: khung vẽ, toan, chổi cọ… Rất nhiều người đến viếng, trong đó có các nghệ sĩ tên tuổi như Lucien Pissarro và Lauzet. Đó còn là những người dân địa phương vốn yêu quý ông, một con người rất mực tốt bụng và sống chan hoà…

Chúng tôi cùng im lặng bên quan tài ông. Giây phút ấy, tất cả đều trở thành những người bạn của nhau. Mọi người đưa tiễn ông trong dòng nước mắt… Bên ngoài, mặt trời dường như cũng nóng bừng lên. Chúng tôi vừa trèo qua ngọn đồi bên cạnh nghĩa trang Auvers vừa nói về ông, về những gì ông đã làm và cống hiến cho nghệ thuật, về những kế hoạch ông ấp ủ, và về tất cả những điều tốt đẹp ông đã làm cho chúng tôi.

Chúng tôi tới nghĩa trang, một khu đất nhỏ bé rải rác bia mộ mới. Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bên dưới là những cánh đồng đang vào mùa thu hoạch và trên cao là cả bầu trời xanh rộng lớn mà ông từng yêu đến nát lòng… 

Giờ thì ông đã yên nghỉ. Quá nhiều thứ ông đã làm cho con người và thật khó tin rằng ông đã mất đi…”.

Bài viết gốc: Nỗi buồn của Van Gogh– CafeBiz, Tháng 5/2019

Bài viết liên quan:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��