Life What Matters

[WM EP 20 | SPECIAL EP] Bi kịch, của hạnh phúc

Chào mừng bạn đến với What Matters, EP 20 và những câu chuyện “matters”.

Những ngày này, bạn đang nghĩ về điều gì? Linh thì nghĩ về hạnh phúc. Không phải về câu hỏi “Làm thế nào để hạnh phúc?” vì cũng đã một thời gian, Linh không chạy theo hạnh phúc, Linh chỉ quay về bên trong và xoay trục tâm thế của mình với hạnh phúc.

Nhưng Linh có nghĩ về thế giới, và mối tương quan trong hành trình loài người kiếm tìm, mưu cầu một trong những khái niệm khó định nghĩa nhất này. Cũng như thứ không ít người nhận lại trên đường, hoặc ở cuối hành trình đó. Giá mà ta có đủ hiểu biết, để luôn giải đáp được tất cả những câu hỏi “tại sao”, Linh nhủ thầm – thì tuyệt vời biết bao?

Nhưng nếu mọi thứ rõ ràng ngay từ khi mới bắt đầu, liệu cuộc sống còn thú vị?

Những điều này, Linh để bạn tự trả lời.

EP hôm nay, điều Linh muốn kể với bạn nhiều hơn, là những câu chuyện.

——————————————

Chúng ta hãy bắt đầu, với câu chuyện từ tiểu thuyết gia David Grossman:

The Sad Clown- Indrani Chowdhury

“Một người đàn ông tìm đến bác sĩ tâm lý và thở dài: ‘Tôi cảm thấy mọi thứ đều tồi tệ. Cuộc sống quá khắc nghiệt và tàn nhẫn.’

Vị bác sĩ lắng nghe sau đó mỉm cười: ‘Anh hãy thử đến xem một buổi diễn của chú hề nổi tiếng nhất thị trấn này. Tôi tin là sau đó tâm trạng của anh sẽ tốt hơn rất nhiều.’

Người đàn ông nghe thế liền nói trong nước mắt:

Nhưng bác sĩ ơi, tôi chính là chú hề ấy đây’.

Nhiều năm trước, Linh đọc David Grossman, và khi đọc đến đoạn này, thứ Linh cảm nhận, chỉ là nỗi buồn.

Có thể bởi đó là những năm tháng hai mươi, ta chẳng đủ từng trải để hiểu nỗi đau của “chú hề nổi tiếng nhất thị trấn”.

Còn giờ, khi đã ngoài ba mươi, Linh đọc lại lời thú nhận của chú hề…

Và thực lòng, trái tim Linh chết lặng.

——————————————

Cũng giống như chú hề, hoặc ta đã nhìn thấy chính mình trong chú hề, tại sao khi ta kiếm tìm niềm vui, khi ta đem đến niềm vui cho người khác, khi ta tưởng như đủ đầy hơn về địa vị – “nổi tiếng nhất thị trấn” cơ mà, khi đáng lẽ ta phải viên mãn, lại là lúc ta bất hạnh cùng cực đến vậy?

Không thể nào. Điều này quá sức vô lý.

Chúng ta không được dạy như vậy. Đám đông xung quanh ta cũng không thể hiện hoặc cổ vũ như vậy. Truyền thông không nói cho ta như vậy. Mạng xã hội không nói cho ta như vậy. Các bác sĩ tâm lý đôi khi cũng loay hoay không thể giúp ta như vậy.

Vậy mà nỗi bất hạnh ấy đã đến, ở đó, âm thầm từng chút một, ăn mòn chính những khái niệm mà ta từng tự tin rằng ta nắm rõ cũng như biết cách để đạt được nó: HẠNH PHÚC!

Linh cứ mãi loay hoay không thể diễn đạt được trạng thái tương đối của điều này, cho tới khi lại một lần nữa, trong một cuộc nói chuyện với một người anh đặc biệt, người Linh đã nhắc đến trong WM EP 19, với câu chuyện “quản trị tâm hồn”. Giờ đây, với những suy tưởng xa hơn về ý nghĩa cuộc sống, về hạnh phúc và những mưu cầu khác, có một từ khóa nữa được bật ra:

Bi kịch.

At Eternity’s Gate, Van Gogh

Và đến lúc này, nếu bạn vẫn còn băn khoăn tại sao lại có mâu thuẫn khi hạnh phúc đan xen với khổ đau? Thì nào, hãy bước sâu hơn vào “cánh gà” của thế giới, nơi W. Shakespeare đã từng ví:

“Cuộc đời là một sân khấu, nơi mỗi người đều cần tự sắm vai”.

Ở đó, sâu dưới lớp màn nhung mỹ miều của những khái niệm “thành công”, “hạnh phúc”, “nổi tiếng”… dường như vẫn tồn tại bi kịch, chẳng khác khuất sau sân khấu lộng lẫy của “The Phantom of the Opera“, vẫn lẩn khuất bóng ma.

Linh không nói tất cả những người thành công, hạnh phúc đều là những người thấy cuộc sống bi kịch. Nhiều người thành công, và hạnh phúc thực sự. Nhưng có một điều Linh có thể thấy, không phải cứ hạnh phúc, là sẽ mãi mãi như thế tuyệt đối.

Mà không ít người, thậm chí vô tình trở thành “nạn nhân” trong chính cái bóng hạnh phúc họ tạo ra, nơi ở đấy xuất hiện:

Bi kịch, của hạnh phúc!

Ở một EP Linh chưa kịp nhớ số của chính ‘What Matters”, Linh đã từng kể cho bạn về một người bạn lớn, một chuyên gia tâm lý học người Mỹ. Tất nhiên, thông tin chi tiết của các bệnh nhân hay khách hàng, cũng như bất kỳ lĩnh vực nào, là bảo mật. Nhưng rất nhiều trong số những người đến gặp ông, một cách chung chung là những người có vị thế cao nhất trong xã hội – những người mà nếu nhìn từ ngoài vào, không ai có thể mảy may nghi ngờ về chuyện họ không hạnh phúc.

Những liệu trình trị liệu về tâm lý học, không giống như một cơn cảm cúm tới khám mang thuốc về uống tự khỏi, tất nhiên so sánh là khập khiễng, nhưng những lộ trình này, có thể kéo dài hàng năm, với chi phí đắt đỏ; Đồng thời, người bệnh cần được tiếp cận những chuyên gia tâm lý học thực sự có chuyên môn, để thậm chí không chỉ nhìn vào hồ sơ tâm lý hiện tại, mà đi sâu cả về những chấn thương tâm lý có từ thơ ấu… Nếu không, các vấn đề có thể sẽ mãi không được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, những người trong ngành vẫn thường nói đùa với nhau, bệnh tâm lý, là bệnh của người giàu.

Kết thúc những buổi trị liệu, những bệnh nhân của ông, lại trở về với cuộc sống thường ngày, lại gồng lên “sắm vai” quyền lực, viên mãn, hạnh phúc.

Để rồi, tới buổi hẹn kế tiếp với vị chuyên gia tâm lý, họ lại được trở về chính họ, yếu đuối, vỡ vụn, bi kịch và bế tắc. Các dấu hiệu mất ngủ, chán ăn, giảm tập trung, dễ kích động, mất động lực, niềm vui sống, thậm chí chán ghét bản thân, hận thù, có suy nghĩ tự tử… xuất hiện thường trực.

Ở một thế giới song song với thế giới trong căn phòng tâm lý, họ là những người hạnh phúc nhất thế gian. Ở đây, họ đang là nhân vật chính, trong tấn bi kịch của bản thân mình.

Trên chính hành trình theo đuổi hạnh phúc, ta đồng thời tước bỏ nó“.

Viktor Frankl – Đi tìm lẽ sống

Ồ không, có nhiều người sau những nỗ lực của vị chuyên gia tâm lý, và hợp tác cũng như cố gắng tự thân của chính họ, đã có lại “hạnh phúc”. Nhưng có những người, mãi mãi không thoát ra được và không thể tách biệt, đâu là thứ “hạnh phúc” nhân tạo mà họ đang tự chế tác, đâu là thứ hạnh phúc thật sự mà họ vĩnh viễn không có.

Cũng chẳng phải đến lúc gặp vị chuyên gia tâm lý nọ, Linh mới quan sát và thấm thía về sự tương đối của cuộc sống.

Đây tiếp tục là một câu chuyện có thật, khi Linh hỏi Chủ tịch của một thương hiệu Việt Nam lớn, nổi tiếng ở cả một số quốc gia khác trên thế giới (tất nhiên Linh xin phép giấu tên), rằng anh có chắc chắn anh biết mình muốn gì hay không?

Anh đã buồn bã nhìn mình mà trả lời:

Không!

(Điều này, khác những gì mà nếu bạn biết tên anh và những gì truyền thông đang chia sẻ về anh, chắc hẳn bạn không tin. Không đời nào, anh ấy thành công, và có vẻ hạnh phúc, anh ấy có những lộ trình phát triển sắc nét. Anh ấy phải biết- một cách rõ ràng mình muốn gì chứ?)

Blue Eyes, Henri Matisse

Mà không chỉ người Việt, Linh cũng từng lặng lẽ chứng kiến, những người nước ngoài, có thể được gọi là tầng lớp tinh hoa, khi không còn giữ được những “danh tính” về địa vị, quyền lực, sự ghi nhận của đám đông, họ đau đớn, tổn thương và tội nghiệp thế nào. Nhưng thậm chí, họ vẫn phải “sắm vai” hạnh phúc, hài lòng – tỏ ra hạnh phúc là công việc của họ, chứ không phải cảm xúc cá nhân, bởi họ cần duy trì “hình ảnh cá nhân” ấy- để dự phòng cho những kế hoạch khác.

Chỉ có điều, Linh nghĩ- còn gì bất hạnh hơn trên đời, khi đau khổ mà không thể thừa nhận mình đau khổ, phải không bạn mến thương?

Nó đó, sau lớp màn nhung, những câu chuyện sâu kín đó, những câu chuyện không hẳn vui – những câu chuyện để chúng ta phải ngậm ngùi suy nghĩ…

Cho đến mãi tận sau này, Linh mới tự nghiệm ra một điều, tưởng đơn giản mà giờ Linh mới hiểu: Chẳng có công thức hạnh phúc hay thành công nào cho tất cả mọi người. Có người hạnh phúc khi thịnh vượng, khi tham vọng, và họ sinh ra để làm việc đó. Thế giới cũng cần những giấc mơ lớn hay thậm chí vĩ đại của họ để phát triển.

Nhưng cũng có người hạnh phúc, khi đơn thuần là một người bình thường, không cố gắng “lên gân”, khi biết đủ với những gì mình có, và dành thời gian để sống bình thản mỗi ngày.

Cả ngày hôm nay, trong một Chủ Nhật phẳng lặng, Linh đã bỏ cả nghỉ trưa để nghĩ mãi về câu chuyện “Bi kịch, của hạnh phúc” này. Năm năm vừa qua, có một khái niệm đã được tìm kiếm tăng gấp 26 lần tại Việt Nam, một khái niệm mà đôi khi, Linh cảm giác như bị lạm dụng: “chữa lành”.

Google Trends từ khóa “Chữa lành” – 5 năm gần nhất

Bạn chỉ cần đơn giản vào Google Trends, gõ từ khóa tìm kiếm và theo dõi mức độ quan tâm của nó theo thời gian. Điều gì đã xảy ra, khi GDP bình quân đầu người Việt Nam vẫn ở trong nhóm tăng trưởng ấn tượng nhất thế giới (đặc biệt giai đoạn 2006- 2021)? Và cũng trong lúc đó, truyền thông vẫn đang nhấn mạnh, Việt Nam tăng bậc liên tục trong bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Thì đám đông lại âm thầm đau khổ và lặng lẽ đi tìm cách chữa lành?

Mà chưa chắc bi kịch ấy có chữa được lành, hay thậm chí càng thêm đau khổ khi gốc rễ chưa được thấu suốt?

Đến giờ, Linh tin bạn đã có câu trả lời.

Hạnh phúc, con đường kiếm tìm nó, cách đối diện trước thế giới, có nên là những lựa chọn cá nhân trước tiên, trong đó tiêu chuẩn xã hội là tham chiếu hay nên là những lựa chọn dựa trên hình mẫu của người khác?

Bởi nếu những tiêu chuẩn về hạnh phúc và đám đông ngoài kia, không khiến bạn đủ đầy mà ngược lại, khiến bạn đau khổ để tìm đến với chữa lành – thì ta có nên nhìn lại việc theo đuổi những tiêu chuẩn ấy?

Sẽ là chủ quan khi bạn hỏi, còn Linh thì sao, Linh theo đuổi điều gì?

Có một câu chuyện khác của Robert Waldinger, một nhà thần kinh học, không mới, nhắc ta về tầm quan trọng của những mối quan hệ chất lượng, chứ không phải tiền bạc, sự nổi tiếng – trong việc đem đến hạnh phúc. Và Linh chưa sống đủ lâu để nói với bạn, tất cả những điều này là tuyệt đối. Sáng mai thức dậy, ta đã là một người khác đi so với ta của hôm nay. Dòng sông chiều nay ta tắm mát, cũng không còn là dòng sông chiều nay lần thứ hai, vào sớm mai. Nên những hiểu biết của ta về thế giới cũng có thể khác.

Starry Night, Van Gogh

Nhưng ở những ngày này, Linh đồng tình với Robert rằng, sau cũng rất nhiều tổn thương và đau khổ tự thân trong hành trình chạy theo những tiêu chuẩn hạnh phúc của đám đông; sau những nỗ lực đi cao lên trên những nấc thang Maslow và quay vào bên trong – giờ, hạnh phúc với Linh là những mối quan hệ chất lượng, và mối quan hệ êm đềm – với chính mình, những thứ quý giá chẳng khác nào tài sản.

Cũng như hạnh phúc còn là được viết, được kể những câu chuyện và chia sẻ nó, để thấy cuộc sống lấp lánh ý nghĩa, như những đêm đầy sao trong bức tranh Van Gogh yêu thích.

Hoặc kể cả khi một lần nữa, cần đối diện bi kịch, Linh sẽ nghĩ, nỗi đau cũng cần thiết, để bồi đắp chính mình, để thấu cảm và hiểu hơn về thế giới, nơi như Van Gogh nói “Nỗi buồn kéo dài mãi mãi”. Để thay vì trốn chạy nó, Linh sẽ ôm lấy, vỗ về rồi từ từ trở ra, như một người bệnh vừa vượt qua đợt nhiễm virus mới, nhưng đã có kháng thể.

Như vậy, liệu có tốt hơn?

Còn bạn thì sao, hạnh phúc là trọn vẹn, hay cũng chứa đựng bi kịch- với bạn?

Và bạn đã trở ra thế nào?

Linh Đàm

—————————————————–

Bài viết thuộc Series What Matters – Lên sóng định kỳ vào 9PM thứ Tư, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, chia sẻ các câu chuyện về Marketing, Nghệ thuật, Cuộc sống tới 30.000 độc giả. Chuyên mục do Ekip Linhdam.Co ra mắt ngày 01.02.2023- dự án đặc biệt của Blog từ 2023. Chào đón chia sẻ của độc giả.

Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu tham khảo về dịch vụ hoặc cơ hội hợp tác/tài trợ với Linh, vui lòng tham khảo tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��