Life

Bạn đã có “quỹ khẩn cấp”?

Thế kỷ 21, tiêu dùng phong cách Mỹ lên ngôi với thói quen tiêu dùng trước, trả sau. Nền kinh tế được thúc đẩy thêm bằng đòn bẩy tín dụng khi người ta có thể chi tiêu bằng cả tiền của mình lẫn tiền ngân hàng ứng trước. Quan niệm cần chuẩn bị một khoản dự phòng cho những tình huống khẩn cấp trở nên lạc hậu khi người ta có thể dễ dàng tiếp cận các chương trình tín dụng với tiện ích vượt trội. 

Nhưng thử nghĩ ngược lại, khi luôn phải “đeo” vào chiếc thẻ tín dụng và những món nợ ngân hàng, thì có phải càng là lúc để chuẩn bị sẵn một cái phao trước những cú sốc kinh tế mà không ai tự tin có thể tiên đoán được?

Rốt cuộc quỹ khẩn cấp là gì?

Quỹ khẩn cấp (Emergency Fund) là lượng tiền bạn tiết kiệm để có thể đảm bảo cuộc sống bình thường của bản thân nếu có những chuyện đột xuất xảy ra. Như khi bạn không may thất nghiệp, đau ốm, hay khi ngôi nhà của bạn cần sửa chữa. Quỹ khẩn cấp không phải khoản tiền để mua chiếc túi hàng hiệu vừa được rao bán hay dùng để thiết kế lại phòng ngủ của bạn. Nó chỉ được và chỉ nên dùng trong trường hợp khẩn cấp. 

Tôi không cần một quỹ khẩn cấp!

Thực tế, sẽ có những người nghĩ rằng họ không cần tới một quỹ khẩn cấp. Những người này thường là những người không có một quỹ khẩn cấp thật sự. Xét cho cùng, quan niệm của họ là, thay vì tiêu xài và tận hưởng cuộc sống- tại sao phải để tiền tiết kiệm rồi giữ ở đó không được dùng?

Nhưng cuộc sống có mấy khi đi theo những lộ trình đã được vạch sẵn? Và việc chuẩn bị một quỹ khẩn cấp vẫn là điều nên làm. Khi có một khoản tiền cho những điều không lường trước, bạn đồng thời có sự yên tâm. Bạn sẽ không phải hoảng sợ nếu cơn bão tối qua khiến nhà mình cần sữa chữa lại. Bạn cũng sẽ không phải tiếc nuối khi có một cơ hội kinh doanh đầy thú vị nhưng đành nhìn người khác chớp lấy vì thiếu vốn. Thay vì việc phải đi vay nợ hay mượn tiền người thân- bạn chỉ đơn giản là trả tiền. 

Và thế là xong. 

Bao nhiêu là đủ? 

Mặc dù các chuyên gia tài chính đều đồng tình rằng quỹ khẩn cấp là cần thiết, vẫn không có một định nghĩa thống nhất về việc bao nhiêu là đủ. Câu trả lời là với những người khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau thì quỹ khẩn cấp sẽ khác nhau. Tựu chung lại, đa số cho rằng một quỹ khẩn cấp tương đương 3 tháng chi tiêu là hợp lý. Nhiều người lại đề xuất khoản dự phòng lên tới 12 tháng thu nhập trong khi những người khác lại cho rằng, chỉ cần 1,000 USD là đủ.

break in case of recession

Vậy với bạn bao nhiêu là thực sự đủ? Tôi nghĩ bạn cứ chọn mức phù hợp với mình, dựa trên hoàn cảnh, thu nhập và nhu cầu của bạn. Và nếu chưa phù hợp. Bạn vẫn có thể điều chỉnh nó.

Thành Rome không được xây trong một ngày, và hẳn một quỹ khẩn cấp cũng thế.

Bắt đầu từ đâu?

Bạn không cần phải giàu có mới có thể bắt đầu xây dựng quỹ khẩn cấp. Nhưng những bước sau là cần thiết:

Bắt đầu đơn giản bằng việc để một khoản tiền tượng trưng và hợp lý (100 USD) vào quỹ khẩn cấp của bạn. Tất nhiên, việc thiết lập quỹ dự phòng không có nghĩa bạn không còn khả năng chi trả những nhu cầu cơ bản khác. Sau khi thiết lập một mục tiêu vừa sức, bạn bắt đầu coi nó như một thói quen và duy trì nó đều đặn như hóa đơn điện hàng tháng. 

Trong lúc vẫn đảm bảo những nhu cầu cơ bản, hãy cố gắng cắt giảm những nhu cầu không thật sự cần thiết của mình. Thay vì mua sắm tràn lan, hãy lên danh sách trước khi đi siêu thị và kiềm chế trước các ưu đãi. Hạn chế đi ăn ngoài hay tranh thủ sử dụng phương tiện công cộng khi cần thiết. Đôi khi, nghiêm khắc với bản thân thay vì nuông chiều nó cũng mang lại những lợi ích nhất định.

Và cũng giống như bất cứ khoản tài chính nào, nếu có thể bạn hãy cố gắng gia tăng giá trị của nó, bằng một khoản hoàn thuế hay một thu nhập bất thường từ việc bán đồ cũ… Thay vì chi tiêu, tiết kiệm cũng có nghĩa bạn đang đầu tư cho chính mình. Lãi suất, nếu đem quỹ khẩn cấp gửi tiết kiệm, sẽ là phần thưởng cho bạn. 

Khôn ngoan hơn nữa, bạn nên tích trữ số tiền dự phòng này ở những nơi không dễ tiếp cận được. Nếu bạn là người sống đủ kỷ luật để hoàn thành mục tiêu tài chính này, bạn có thể bỏ qua lời khuyên này. Nếu không, đừng để nó trong ví và khi quỹ khẩn cấp đạt được mục tiêu, thay vì tiếp tục giữ nó bạn lại nghĩ tới chiếc váy mơ ước hay kỳ nghỉ hè rực rỡ năm sau. Hãy cân nhắc kỹ hơn hoặc đề ra kỷ cương cao hơn, vì sức khỏe tài chính của chính mình. 

Nhiều người, tuy muộn cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tưởng chừng nhỏ như một khoản tiền tương đương 3 tháng chi tiêu này.

Còn bạn thì sao?

Linh Đàm

Bài viết gốc: Quỹ khẩn cấp và câu chuyện tài chính cá nhân– CafeBiz, Tháng 7/2015

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��