Những bức vẽ của Edward Hopper trở đi trở lại với tôi nhiều lần, không hiểu bởi thuật toán AI của Facebook cứ liên tục gợi ý khi tôi tìm kiếm thông tin về hội họa, hay bởi vì nhiều người cũng quan tâm đến nỗi cô đơn trong tranh của ông.
Nhưng trước khi nói về nỗi cô đơn ám ảnh xuyên suốt các tác phẩm Edward, ta không thể không thừa nhận, đó là những mảnh ghép quá đẹp đẽ về thế giới, qua đôi mắt u buồn của một nghệ sĩ thực thụ.
Mối quan tâm đến hội họa của tôi đến khá tự nhiên, khi là một người viết, với lòng yêu cái đẹp, hội họa luôn chứa đầy những “túi cảm hứng” để bạn có thể thoải mái “tắm mình” ở đó và trở ra với tràn ngập ý tưởng.
Với hiểu biết hạn hẹp, tôi tự mày mò chậm chạp với việc tìm hiểu về hội họa với những cái tên điển hình như Van Gogh, Gustav Klimt, Leonardo Da Vinci hay Michelangelo… Nhưng trong thế giới rộng lớn ấy, thi thoảng có những khoảng nghỉ như giữa những ngày giãn cách dài vì Covid, những nghệ sĩ “kín đáo” hơn như Edward Hopper cũng thôi thúc tôi kỳ lạ.
Edward Hopper là ai?
Edward Hopper (22 tháng 7 năm 1882 – 15 tháng 5 năm 1967) là một họa sĩ hiện thực và nghệ sĩ in người Mỹ. Sinh trưởng tại bang New York, Edward Hopper ban đầu tốt nghiệp nghề vẽ tranh minh họa tại trường New York School of Art.
Từ thời thơ ấu, Hopper đã thể hiện bản chất có phần hay nhún nhường của mình khi còn ở khu Hudson River, ngoại ô New York. Là con thứ hai trong một gia đình cơ đốc giáo trung lưu gốc Hà Lan với cha là chủ một cửa hàng địa phương yêu văn chương và mẹ là một người yêu nghệ thuật. Nhận thấy tài năng sớm nở của Hopper, cặp đôi khuyến khích con đến với nghệ thuật từ sớm. Hopper bắt đầu ký tên lên những bức vẽ của mình vào năm 10 tuổi.
Rất chăm đọc và vẽ, Hopper nhún nhường tự châm biếm vóc dáng vụng về của mình trong một số hình minh họa. Khi tốt nghiệp trung học, ông từng truyền đạt sự lo lắng cho tương lai qua ghi chú “Out into the cold world”- “Bước ra thế giới lạnh lẽo” dưới các bản vẽ bút và mực của mình.
Mặc dù được biết đến rộng rãi với những bức tranh sơn dầu, nhưng ông cũng đồng thời là một họa sĩ màu nước và nghệ sĩ in trong lĩnh vực khắc.
“Tôi nghĩ rằng các họa sĩ Mỹ châm biếm đất nước mình. Tôi thì luôn luôn muốn là chính mình.”
Edward Hopper
Từ 1906 đến 1910, Hopper dành nhiều thời gian sang Paris để trau dồi kiến thức, học thêm về vẽ qua việc tìm hiểu các trường phái ấn tượng, biểu hiện và lập thể với các đại diện là Cezanne, Marquet, Pissarro và Degas.
Vào 1924, Edward kết hôn với Josaphine khi cả hai đã ở độ tuổi tứ tuần. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng khá lớn tới sự nghiệp của Hopper, khi bản thân Josephin cũng là một nghệ sĩ được trọng vọng. Bà đóng góp với cả tư cách người mẫu lẫn đối tác sáng tạo với Hopper.
Cặp vợ chồng không có con. Josephine gọi những bức tranh của chính mình là “những đứa trẻ sơ sinh tội nghiệp” trong khi bà coi tác phẩm của chồng là khởi đầu cho mùa xuân của họ. Khi sự nghiệp của Josephine gặp khó khăn, sự nghiệp của Hopper ngược lại đã thăng hoa.
“Đôi khi nói chuyện với Eddie giống hệt như là ném một hòn đá xuống giếng, chỉ khác là chẳng hề rơi đánh bịch khi chạm đáy”.
Josephine
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân không êm đềm mà sóng gió, bạo lực và đôi khi cô độc, thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của Hopper. Theo nhật ký của Josephine, Hopper đã tát bà, “còng tay” bà, đánh bầm tím bà và đập đầu bà vào kệ. Bà cào ông và “cắn Hopper đến xương.”
Mặc dù vậy, họ vẫn bên nhau cho tới gần 40 năm trong cuộc hôn nhân dài của mình. Josephine quản lý sổ ghi chép, kiểm soát các tác phẩm, triển lãm và công việc bán tranh của Hopper. Jo gợi ý các concept, chủ đề lẫn đưa ra những phê bình mang tính xây dựng, khuyến khích với Hopper.
Lúc ban đầu, Hopper vẽ khoảng 30 tấm tranh về khung cảnh Paris trước khi chuyển sang phong cảnh nước Mỹ.
Nhưng kể cả trong những bức họa về phong cảnh nước Mỹ sau này, những kỷ niệm, nỗi nhớ nhung của họa sỹ người Mỹ về khung cảnh thanh tao của những vùng đất châu Âu cổ kính vẫn phảng phất trong các bức họa của ông. Điều này tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa ảnh hưởng của trường phái nghệ thuật châu Âu và ảnh hưởng của người thầy- họa sĩ người Mỹ Robert Henri- người mà ông theo học. Tác phẩm của Hopper như nỗi hoài niệm về nước Mỹ quá vãng kèm theo hoài nghi của một nước Mỹ đang trên đà phát triển.
Họa sĩ của vẻ đẹp cô đơn
Edward Hopper đã mất khá nhiều thời gian trước khi được công nhận như một tên tuổi lớn của làng nghệ thuật Hoa Kỳ. Thực tế, Edward Hopper bắt đầu sự nghiệpvẽ từ đầu thể kỷ XX. Nhưng mãi đến gần hai thập niên sau (1925- 1930) tên tuổi của ông mới được công nhận. Nhưng có lẽ đó là lựa chọn khi Edward Hopper đã trải qua một giai đoạn tìm tòi thử nghiệm khá dài.
Khi ở Paris, Hopper quan niệm một tác phẩm lớn phải mang tầm phổ quát. Nhưng khi về Mỹ, ông nhận ra: những nét bình dị thường nhật hoàn toàn có thể sử dụng để nói lên những chuyển biến của toàn xã hội, ví dụ như sự phát triển không ngừng của các thành phố lớn như New York, Los Angeles hay Chicago.
Có hẳn một thứ gọi là lối sống kiểu Mỹ (American way of life), sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng, sự hình thành giai cấp trung lưu, sự ra đời của pop art, ngành công nghiệp quảng cáo được thể hiện trong các tác phẩm của Hopper. Ở đó, không chỉ là lát cắt của cuộc sống, mà còn là những chiều kích đối lập trong mỗi cá nhân con người.
Nighthawks, 1942 là một ví dụ điển hình của lối sống ấy. Một quán cafe đêm, bốn con người vẫn ngồi, nhưng không giao tiếp, không thậm chí nhìn vào nhau mà đều nhìn xa xăm. Ai cũng dường như tách ra để sống với thế giới côc độc của mình. Nhưng ngay cả trong nỗi buồn ấy, vẫn phô bày vẻ lãng mạn duy mỹ của nước Mỹ những năm 50s, u hoài, ám ảnh.
Thoạt nhìn đầu tiên, người xem sẽ có cảm nhận bức tranh mang hơi hướng điện ảnh. Điều này đến từ kích thước của Nighthawks có số đo 152×85 cm, gần tỉ lệ với khung hình 16:9 thường được sử dụng trong các rạp chiếu phim. Bên cạnh đó là bảng màu mang tính đối lập cao, khi Edward Hopper sử dụng 2 tông màu chủ đạo tương phản rõ ràng là xanh Sacramento và vàng Lemon.
Bảng màu này gợi nhắc phần nào đến ánh sáng trong Joker(2019), diễn tả sự cô độc con người trong một xã hội lạnh lẽo, con người ở gần nhau về thể xác nhưng lại cách xa nhau về mặt cảm xúc.
Tháng 1/1942, viết trong bức thư gửi em gái Edward Hopper là Marion , vợ của ông, bà Josephine đã hào hứng chia sẻ: “Ed đã hoàn thành một bức tranh vô cùng tuyệt đẹp – nó là quán cafe buổi đêm với 3 nhân vật. Night Hawks sẽ là một cái tên tuyệt hay cho nó. Ed tạo dáng cho 2 người đàn ông, còn tôi là người phụ nữ. Anh ấy đã vẽ xong nó trong một tháng rưỡi.“
“Tôi ghét những đường chéo, nhưng tôi thích những đường chéo của Hopper. Chúng là những đường chéo duy nhất mà tôi thích.”
Mark Rothko
Quay ngược thời gian trở về thời điểm Hopper vẽ bức tranh, lúc này Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng và gặp nhiều khó khăn. Bức tranh được hoàn thành sau vài ngày cuộc chiến Trân Châu Cảng nổ ra, người dân New York trong tình cảnh hoang mang, lo sợ về những đợt tấn công tiếp theo.
Thành phố đã phải tổ chức nhiều cuộc tập dượt mất điện phòng trường hợp New York bị tấn công. Nhưng Hopper không hề quan tâm và vẫn để cho đèn trong studio của mình sáng. Bà Josephine đã viết lại trong nhật ký của mình: “Ed không hề mảy may đến viễn cảnh chúng tôi sẽ bị đánh bom.”
Đại diện cho sự vui tươi- những chú hề cũng trở nên lặng lẽ trong tranh Hopper. Như làm ta nhớ đến Joker lạc lõng giữa nước Mỹ náo nhiệt. Và như xu hướng điển hình trong tranh Hopper, không- ai- kết- nối- với- ai. Dù đó là một Soir Bleu- Đêm xanh tuyệt đẹp.
Với tone màu xanh Yale chủ đạo, cũng là màu sắc đại diện cho cả bức tranh, đây là cách Hopper ngụ ý về cảm giác cô đơn và sự xa cách trong xã hội hiện thời.
“Soir Bleu thấp thoáng cho người xem thấy được một cú máy dolly trong những khung hình đắt giá của điện ảnh.”
Mark Stevens
Trong Soir Bleu, bức tranh này cũng được lấy cảm hứng từ những vần thơ của Rimbaud trong bài thơ Sensation.
Trong đó có đoạn: “Par les soirs bleus d’été, j’irai dans les sentiers / Picoté par les blés, fouler l’herbe menue” (tạm dịch: Vào buổi tối xanh ngắt mùa hè, tôi sẽ đi bộ trên những con đường dài / Vạch lúa mì, giẫm lên thảm cỏ mỏng )
“Vào thập niên 1920, khi F. Scott Fitzgerald biên niên về những bữa tiệc linh đình của thời đại Jazz thì Edward Hopper lại phác họa những con người trông như thể cả đời này họ chưa từng được ai mời đi ăn tiệc”
Jonathan Jones
Từ hội họa, những pallette màu duy mĩ của Hopper cũng ước vào không biết bao nhiêu tác phẩm điện ảnh trứ danh Hollywood. Afred Hitchcook, ông hoàng của thể loại phim hồi hộp, đã mượn “tứ thơ” của Hopper để dàn dựng Psycho. Barton Fink của Joel và Nathan Coen, Twin Peaks hay Mulholland Drive của David Lynch cũng đều được lấy cảm hứng từ tranh của vị họa sĩ u sầu này.
Gần đây hơn nữa, Terrence Malick, Wim Wenders và Sam Mendes đều công nhận chịu ảnh hưởng của Hopper trong sáng tác.
Không chỉ có nỗi cô đơn, phong cảnh và nhân vật trong tranh Hopper đều toát lên nét tinh tế và lịch lãm đặc biệt. Dù chỉ ở trong một nhà nghỉ, góc văn phòng, trong bộ đồ lót, họ thanh tao, nhẹ nhõm và thấu hiểu. Có một chút tỉnh táo chấp nhận ở đây để tiếp tục vẫn sống với thời cuộc, nhưng không gia nhập, rất rõ ràng.
Và Edward Hopper không phải nghệ sĩ duy nhất mô tả sự cô độc của con người trong những năm tháng ấy. Đạo diễn Michelangelo Antonioni cũng có Red Desert kể về những con người bị tụt lại đằng sau trong thời đại của hiện đại và công nghiệp hóa.
“Edward Hopper thuộc về kiểu nghệ sĩ mà dù tác phẩm của ông có vẻ buồn thảm nhưng chúng không khiến ta buồn thảm… có lẽ là bởi chúng cho phép ta ngắm nghía sự vang vọng của chính nỗi u mang và chán nản của mình, và như thế ta lại cảm thấy bớt bị chúng giày vò hay vây bắt”.
Alain De Botton
Và từ nỗi buồn, ta nhận ra niềm vui và sự hài lòng vẫn hiện diện, khi ta học được cách đối diện, và tự do trong chính những quanh quẩn thường ngày.
Sinh thời, Edward Hopper cũng là một người đứng ngoài những trào lưu, một con người luôn cố gắng tự tách mình. Lặng lẽ và ít nói, không có nhu cầu phô trương, trình bày, hay trở thành tâm điểm, nhưng Hopper đã để chính những tác phẩm vừa buồn mà vừa đẹp đến đau nhói này chứng minh tài năng thực sự của ông.
“Có lẽ tôi chẳng con người lắm – tất cả những gì tôi muốn vẽ là ánh mặt trời chiếu trên hông nhà”
Edward Hopper
Một trong những bức tranh cuối cùng của Hopper, Mặt trời trong căn phòng trống mô tả giản dị một căn phòng trong đó tường và sàn, ánh sáng và bóng tối, tạo thành những khối màu đồng nhất. Không có bất cứ dấu hiệu nào của sự sống, chỉ có duy nhất ánh nắng vàng ấm áp tràn lên sự tịch lặng vô biên, như báo trước sự ra đi của chính Hopper. Có một vẻ đẹp kỳ lạ trong sự vắng bóng con người, trong sự thiếu thốn những chuyển động, trong sự mắc kẹt với thời gian và không gian.
Chưa đầy một năm sau khi Hopper mất, vợ ông là Josephine cũng qua đời.
Ngôi nhà thời thơ ấu của Hopper ở Nyack, New York hiện là một trung tâm nghệ thuật và bảo tàng. Studio tại New York của Hopper ấy mở cửa đón khách theo lịch hẹn. Khách du lịch ở Cape Cod có thể lái xe tham quan những ngôi nhà được biết là hình mẫu trong các bức tranh của ông.
Trong tác phẩm “Edward Hopper and the House by the Railroad”, nhà thơ Edward Hirsch so sánh người nghệ sĩ u ám, bất an với ngôi biệt thự bị bỏ hoang mà ông đã vẽ:
Ngay sau đó ngôi nhà bắt đầu
Nhìn thẳng vào người đàn ông.
Và bằng cách nào đó,
tấm vải trắng trống rỗng từ từ tiếp nhận
Vẻ mặt của một ai đó đang bất lực,
Ai đó đang nín thở dưới nước.
Còn bạn, một trăm năm sau, có thấy mình trong những nhân vật Edward Hopper?
Linh Đàm
—————————————————–
Bài viết tham khảo tư liệu của The New York Times, The Guardian, Google Arts & Cultures, iDesign… đồng thời thể hiện quan điểm của tác giả, thuộc bản quyền linhdam.co. Chúng tôi chào đón chia sẻ của tất cả độc giả.
Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP.
Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.