Tôi muốn hỏi bạn một câu. Có phải chúng ta đang sống trong một thế giới vô cùng… bão hòa và vô cùng …kết nối đến mức khi nghĩ về ý tưởng không làm gì hoặc không kết nối với ai- chỉ có một mình, ta thấy căng thẳng?
Nhưng bạn còn nhớ Elizabeth Gilbert – nhân vật chính trong “Ăn, Cầu nguyện, Yêu”, khi đến Ý đã bất ngờ thế nào khi thấy người ta có thể tận hưởng ngay cả việc… không làm gì?
Và trong “Emily in Paris”, khi thấy anh bạn đồng nghiệp người Pháp thong thả uống cafe, Emily – một cô gái Mỹ điển hình yêu công việc đã không thể hiểu nổi. Trong khi anh bạn thì cũng… không thể hiểu nổi tại sao những người Mỹ như Emily lại không biết cách tận hưởng cuộc sống khi cứ cuốn trong công việc như thế.
Vậy lựa chọn nào mới là đúng?
Và bạn có nhớ những khoảnh khắc bất chợt khi giữa lúc quay cuồng với công việc và cuộc sống, ta đột nhiên muốn tự vấn chính mình: Sự bận rộn này có ý nghĩa?
Tại sao chúng ta sợ… không làm gì?
Theo một thí nghiệm của Timothy Wilson tại Đại học Virginia, khi nhiều người được yêu cầu không làm gì cả trong 15 phút, họ căng thẳng tới mức lựa chọn bị điện giật thay vì chịu “sự tra tấn” này, chỉ để khỏi phải không làm gì trong 15 phút.
Trong những khoảng thời gian nghỉ lễ, thường nhiều người trong chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để… không làm gì. Nhưng lựa chọn của bạn sẽ là không làm gì, hay cuối cùng hóa ra lại bận rộn hơn vì những lý do mà nhìn lại, bạn cũng không hiểu tại sao?
Nhân tiện, đừng nhầm lẫn việc không làm gì với khái niệm “chánh niệm”- “một trạng thái tinh thần đạt được bằng việc tập trung nhận thức của một người vào thời điểm hiện tại trong khi ghi nhận cảm xúc, suy nghĩ và cảm giác cơ thể của chính mình”. Thật đáng yêu, tôi chắc chắn, nhưng hai khái niệm này dường như đi ngược lại với mục đích của chánh niệm.
Không làm gì cả… ngọt ngào đến thế nào?
Và như Elizabeth Gilbert đã đề cập, người Ý có một khái niệm dễ hiểu hơn cho điều này “la dolce far niente”- hay điều ngọt ngào của việc không làm gì. Các bác sĩ và nhà tâm lý học nói với chúng ta rằng, chính những thời điểm hiếm hoi không làm gì này lại là thứ là hữu ích sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Không chỉ thế, nó còn cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cách để cân bằng trong cuộc đua vượt rào kéo dài liên tục trong hơn 50 tuần khác trong năm với tất cả mọi người.
Có lẽ không cần người viết phải thêm vào những ví dụ điển hình, khi những thiên tại như Einstein, Archimedes và Newton đều thay đổi thế giới với những đột phá được thực hiện trong lúc họ chẳng làm gì nhiều- chơi với bong bóng xà phòng, nằm trong bồn tắm và ngồi dưới gốc cây táo- tuy nhiên nhìn theo một cách khác, bạn sẽ thấy những giá trị đáng kể của nó.
Thế nhưng, mọi người lại chọn cách ngược lại: Họ vuốt, nhấp và đăng bài liên tục trên mạng xã hội để tránh việc có thời gian rảnh. Tệ hơn nữa, họ như thể “lừa” con cái để đến các lớp học ngoại khóa hoặc trại hè thay vì để các con nghỉ ngơi chỉ để có thêm điểm cộng trong CV. (Ôi trời ơi, mặc dù bản thân người viết cũng có suy nghĩ như vậy và đang có kế hoạch đưa con đi học thêm).
Chúng ta lớn lên trong nền văn hóa “những mối nguy hiểm lạ lẫm”- thứ đã buộc chúng ta với ý tưởng khi cánh cửa mở ra với một đứa trẻ vào buổi sáng, lời khuyên (có vẻ) đúng đắn của các bậc cha mẹ sẽ luôn là “ Hãy về nhà khi phố lên đèn”.
Tôi được hưởng đặc ân tận hưởng những ngày nghỉ hè khi được đạp xe cùng bạn bè đi tìm những ngôi nhà ma ám và thử những thử thách leo trèo. Những mối nguy hiểm lạ thường chỉ xuất hiện một lần, và khi người đàn ông lạ mặt đến gần chúng tôi giữa một cánh đồng, trong khi chúng tôi đang bận rộn chế tạo những mảnh gỗ thành mũi tên, chúng tôi đã hét lên “Cút đi, đồ khốn” và ném đá vào anh ta cho đến khi anh ta bỏ đi.
Được phép ở chung với những đứa trẻ khác khi còn nhỏ có nghĩa là bạn không học được gì, ngoại trừ bài học quan trọng về cuộc sống là khi phát hiện ra một ngôi nhà ma ám, bạn chỉ nên đến gần nó khi được trang bị sẵn cung tên. Và với nhiều người, đây mới là những kỷ niệm đáng giá thời thơ ấu, không phải khả năng chia động từ bằng tiếng Pháp, những ngón tay điêu luyện trên phím Piano khi mới ba tuổi hay bất cứ điều gì khác.
Trong một cuốn sách mới mang tính hướng dẫn, “Làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ tới khi trưởng thành”: Thoát khỏi bẫy của cha mẹ quá mức, cựu hiệu trưởng của Đại học Stanford, Julie Lythcott-Haims, đã viết: cha mẹ đang “chăm chút quá mức” tới lũ trẻ bằng cách liên tục khiến chúng bận rộn ngay cả khi chúng nên được nghỉ ngơi. Điều này có thể gây tổn hại cho trẻ không khác gì khi bỏ bê chúng.
Lythcott-Haims viết: “Tôi thấy trẻ em và thanh niên rõ ràng có rất nhiều kế hoạch cho cuộc sống của họ và đặc biệt giỏi làm những gì họ được chỉ bảo, nhưng có vẻ không quen thuộc với bản thân của họ khi được để ở một mình. Cô chỉ ra rằng những đứa trẻ được nuôi dưỡng quá mức, luôn bận rộn này cũng có dấu hiệu lo lắng và trầm cảm không khác những trẻ vị thành niên bị giam giữ.
Làm sao để thực hành không làm gì ý nghĩa?
Ngắt kết nối!
Facebook, Instagram và Twitter không phải là “Dolce xa Niente”. Lạc lối trong thế giới mạng có thể làm tiêu hao năng lượng của bạn khiến khoảng thời gian hàng giờ trên mạng xã hội trở thành lãng phí. Ý nghĩa ngọt ngào của việc không làm gì hoàn toàn ngược lại. Nếu ngắt kết nối hoàn toàn trong một ngày nghe có vẻ như là một nhiệm vụ bất khả thi, hãy bắt đầu với khoảng thời gian nhỏ. Tắt các thiết bị của bạn sớm hơn một giờ mỗi đêm hoặc thưởng thức cà phê vào buổi sáng mà không cần nhìn chằm chằm vào điện thoại hoặc iPad.
Thoát khỏi cảm giác tội lỗi
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy rẫy những nhà hoạch định, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chúng ta thường đo lường sự thành công trong ngày của chúng ta bằng mức độ chúng ta đã hoàn thành và những gì chúng ta đã hoàn thành trong mục “to-do-list” hàng ngày. Loại bỏ cảm giác tội lỗi về danh sách việc cần làm này hoặc những việc bạn “nên làm” sẽ giúp bạn trải nghiệm trọn vẹn một số khoảnh khắc “Dolce far Niente”
Tắt TV
Xem TV có thể là cách giảm căng thẳng đối với một số người nhưng nếu bạn xem quá nhiều, nó sẽ cướp đi thời gian để bạn có thể làm những việc giá trị khác. Hãy từ bỏ TV trong một giờ và thay thế bằng việc đi dạo quanh khu phố và kết nối với thiên nhiên.
Dành ra một ngày nghỉ ngơi
Đây là một nghi lễ quan trọng mà nhiều tôn giáo trên thế giới đến bây giờvẫn tuân theo, dù là thứ Sáu, thứ Bảy hay Chủ nhật. Có một ngày nghỉ ngơi là một ý tưởng thiết thực nhưng hầu hết những người tôi biết đã không còn khái niệm với điều này. Hãy thử lên lịch dành một ngày trong tuần (hoặc tháng) là ngày không làm gì cả. Bỏ qua công việc nhà, bỏ qua email công việc, ở nhà, tận hưởng gia đình và tận hưởng một ngày của riêng bạn.
Tìm người nghệ sĩ bên trong của bạn
Vẽ một bức tranh, viết một bài thơ, tập guitar, thử một công thức mới. Dành thời gian để trau dồi khả năng sáng tạo của bạn là cách thư giãn và là một cách tốt để khám phá những gì đầy cảm hứng và vẻ đẹp xung quanh bạn.
Giấc ngủ trưa
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ ngắn không chỉ dành cho trẻ nhỏ. Một giác ngủ ngắn có thể làm giảm nguy cơ đau tim và giảm mức độ căng thẳng với người lớn. Một giấc ngủ ngắn không nhất thiết phải ở nhà hoặc văn phòng của bạn. Bạn có thể đến một công viên yên tĩnh và nhắm mắt, lắng nghe tiếng chim và mùi cỏ. Khoảnh khắc yên tĩnh này có thể giúp chữa lành sâu sắc.
Bỏ qua một số công việc nhà
Bạn không cần phải vội vàng rửa bát ngay sau khi mọi người ăn xong. Sau bữa tối, hãy tạm gác việc rửa bát lại, ngắm sao hoặc thưởng thức món tráng miệng. Nghỉ ngơi có thể cho chúng ta thấy rằng trái đất sẽ không ngừng quay nếu chúng ta tạm dừng các công việc phải đối mặt với chúng ta.
—————————————————–
Thay vì đặt nền móng cho những thành tích trong tương lai vào mùa lễ hội này, có lẽ trẻ em (và cả chính chúng ta) nên được trao tặng món quà tuyệt vời đó là “la dolce far niente”.
Bằng cách không làm gì, ta thậm chí có thể học được điều gì đó hơn là làm quá nhiều điều vô nghĩa. Bằng cách gắn một cây dây gai leo vào đầu mũi tên, biết đâu con bạn sẽ có thêm một chút tự tin khi run rẩy vượt qua ngưỡng cửa của một ngôi nhà ma.
Chúc bạn cũng như gia đình một mùa lễ hội… không làm gì, nhưng ngọt ngào và ý nghĩa.
Linh Đàm
—————————————————–
Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.
Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.