Life

Một thế giới hậu Covid

Olympic mùa hè 2020 – chương trình được mong chờ khắp thế giới đã hoãn (và có thể sẽ hủy) vì Covid.

Còn quá sớm để nói về viễn cảnh về thế giới hậu Covid-19, nhưng cũng không khó để hình dung đó sẽ là một thế giới không bao giờ giống như trước đó. Bên cạnh những khía cạnh vĩ mô về kinh tế, chính trị, môi trường… có một thứ trông có vẻ xa xỉ khi nghĩ đến ngay tại lúc này; Nhưng khi thế giới đã đủ u buồn, câu chuyện ấy có thể trở thành bi kịch nếu ta bỏ qua: 

Đó là chất lượng cuộc sống của thế giới hậu Covid-19!

Năm tháng qua, và không biết sẽ còn thêm bao nhiêu thời gian nữa, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, loài người chứng kiến những khái niệm về tương tác xã hội bình thường vốn được coi là hiển nhiên bỗng chốc trở nên xa lạ: Nắm tay, ôm hôn, tụ tập, sự kiện quy mô, thế giới phẳng, toàn cầu hóa… 

Tất nhiên, điều nhiều người quan tâm đến hiện tại là bệnh tật, tử vong, khủng hoảng, thất nghiệp… Và chuyện vài tháng không kết nối, không gặp gỡ, không chia sẻ trực tiếp chưa phải là tận thế. Nhưng điều gì xảy ra nếu Covid-19 sẽ khiến cho những thay đổi trên trở thành mãi mãi?

Cũng như chúng ta đã sẵn sàng để làm quen với điều đó? 

Và cho tới khi ta tưởng Covid-19 chỉ tàn phá thế giới về phương diện vật chất, với hậu quả về bệnh tật, tử vong, về kinh tế… và cố gắng tư duy tích cực về những điểm “sáng” như không khí trong lành, có thêm thời gian… có lẽ đã đến lúc để nghiêm túc nghĩ về những hệ quả tinh thần mà đại dịch đã, đang và sẽ để lại. 

Nụ hôn lãng mạn theo một kiểu khác qua… mặt nạ phòng độc

Con người là động vật bầy đàn, đó là sự thật hiển nhiên từ ngàn xưa tới mức không cần chứng minh. Dù có thể đôi lúc chúng ta cần những quãng nghỉ, yên tĩnh để chiêm nghiệm, nhưng lúc nào loài người cũng khao khát được yêu thương, chia sẻ, được thuộc về cộng đồng nào đó. 

Và nghe có vẻ nực cười, nhưng chúng ta sẽ tổ chức những buổi ăn mừng Giáng sinh, Năm mới, các ngày lễ truyền thống tại từng Quốc gia như thế nào? Văn hóa, truyền thống là những thứ ta lớn lên, sống cùng chúng và là những thứ neo giữ chúng ta. Không có những giá trị này, ta sẽ trở nên mất mát.

Covid-19 đã đẩy chúng ta vào tình thế hôn nhau qua… mặt nạ phòng độc, dự đám tang với tối đa mười người và về cơ bản người già phải mặc đồ bảo hộ hoặc cho ở nhà cách ly nơi đông người vì lợi ích của chính họ. 

Chúng ta sẽ thấy những tương tác với không một cái bắt tay nào được thực hiện, những cuộc gặp với tất cả người tham dự đeo khẩu trang và liên tục sát khuẩn. Hoặc thậm chí, không còn đối thoại (Ai cũng biết giao tiếp là cách dễ dàng nhất để phát tán virus qua giọt bắn). Thay vào đó, mọi người sẽ đọc các câu thơ và hát các bài hát qua Zoom, Skype hay Hangouts…

Những dấu mốc trọng đại trong cuộc đời: Thôi nôi, tốt nghiệp, thăng chức, kết hôn, tang lễ… của mỗi cá nhân sẽ có hình dung mới thế nào? Bên cạnh nhau, hay vĩnh viễn qua các ứng dụng thận trọng? Các sự kiện quy mô thế giới: Olympic, Oscar, năm mới tại Timesquare, các lễ hội, chương trình nghệ thuật- những thứ chúng ta hồi hộp chờ đón theo thường lệ, giờ sẽ đi về đâu? Cuộc sống sôi động về đêm, không khí sôi nổi tại các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm giải trí liệu có biến mất? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. 

Đám tang mà người đã khuất được đưa tiễn qua… màn hình điện tử

Bài học lớn mà Covid-19 dạy chúng ta một lần nữa trở nên thấm thía về việc bất trắc có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, và con người cuối cùng vẫn chỉ là một sinh vật nhỏ bé của vũ trụ bao la. Sau SARS, sau Covid-19, không một ai biết được thế giới có phải đối mặt với những dịch bệnh mới, nguy hiểm hơn, kéo dài hơn, cần nhiều biện pháp phòng tránh hơn hiện tại hay không? 

Toàn cầu hóa, từng là bệ đỡ để thế giới phát triển không ngừng nghỉ, khắp mọi nơi, đồng thời được coi là nguyên nhân chính khiến virus corona lây lan và phát tán chóng mặt từ tâm điểm Vũ Hán ra khắp châu lục. Sau hàng trăm năm phát triển không ngừng nghỉ, cả thế giới tự hào về chất lượng cuộc sống tăng lên nhờ toàn cầu hóa, giờ chính là điều khiến tất cả hoài nghi.  

Người ta cũng đặt câu hỏi cho việc loài người sẽ đi du lịch, và trải nghiệm thế giới như thế nào? Bài toán về vấn đề giáo dục cho lũ trẻ, sau nhiều tháng trì hoãn cũng chưa có lời giải. Thế hệ trẻ tốt nghiệp bước ra thị trường lao động với kỳ vọng trở thành cảm hứng cho thế giới, giờ đối mặt ngay với áp lực thất nghiệp, và không biết bao giờ nguồn cầu lao động có trở lại. 

Những đứa trẻ, cần được vui đùa, cần được khám phá thế giới, giờ sẽ được nhắc nhở quanh quẩn trong bốn bức tường căn hộ, ngày này qua ngày khác?

Em bé giải trí bằng cách sơn móng chân cho bố ngay trong nhà ở San Fiorano- một trong những thị trấn tâm dịch ở Bắc Italy

Những người già- với mơ ước nghỉ hưu và sum vầy bên con cháu có thành hiện thực, hay họ tiếp tục sống một mình, vì an toàn của chính họ? Ai sẽ ở bên cạnh những người cô đơn, trầm cảm? Và ta sẽ tiếp tục sống trong thế giới không hề có những cái nắm tay hay nụ hôn?  

Có lẽ mọi thứ sẽ không tồi tệ đến như thế, vì con người đồng thời là giống loài bền bỉ, dẻo dai và sáng tạo nhất. Nhưng tựu chung lại, thế giới hậu Covid-19 vẫn là một thế giới không dễ để thích nghi.

Hoặc cần rất nhiều dũng cảm để duy trì hạnh phúc trong thế giới đó (*).

Linh Đàm

(*) Thực ra tôi vừa lo ngại, vừa tò mò chứng kiến tiếp một giai đoạn lịch sử của nhân loại, có thể sẽ có nhiều khó khăn, đồng thời nhiều thú vị, nhiều những bất ngờ xảy ra mà đôi khi một cuộc sống được lập trình sẵn- chính nó lại nhàm chán hơn thứ khó đoán định. 

Như có ai đó đã nói: “Bạn có biết điều kỳ diệu của cuộc sống là gì không? Là bạn không biết trước được tất cả!”.

Và bởi vì thế, điều tốt nhất ta có thể làm là sống trọn vẹn nhất mỗi ngày.

Bài viết gốc: Một thế giới hậu Covid-19 – CafeBiz, Tháng 4/2020

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��