Chào mừng bạn đến với “What Matters“, EP 21 và những câu chuyện “matters”.
Nếu đã theo dõi “What Matters” từ những ngày đầu tiên, chắc hẳn bạn nhớ ở EP 7, Linh đã từng đề cập tới chuyện, để tìm được những ý tưởng sáng tạo, giá trị trong thế giới công nghiệp “tẻ ngắt” hiện tại, không phải chuyện dễ dàng.
Có cơ hội tiếp xúc với nhiều ngành nghề, Linh hiểu một phần lý do tại sao. Thường với nhiều lĩnh vực, sẽ có bộ kỹ thuật nền tảng, để tạo ra sản phẩm, đem nó đến với khách hàng, và từ phản hồi của họ, ta đo lường hiệu quả nhằm điều chỉnh.
Nhưng nếu ta chỉ làm nghề với tư duy máy móc và truyền thống như vậy, làm sao ta có thể đem đến khác biệt, sáng tạo hay cảm xúc? Làm sao những sản phẩm được tạo ra bằng cách như vậy có thể khơi gợi suy tưởng, hay bất cứ điều gì, cho mọi người?
Bạn có thể khoát tay không đồng tình. Có cầu, mới có cung. Khán giả chỉ cần những sản phẩm đại chúng, nên tôi tạo ra. Với những sản phẩm chất lượng, giống như một khoản đầu tư lớn, tốn nhiều tư duy, công sức, thời gian, nhưng chưa chắc “bán” được, đặc biệt trong thời gian ngắn. Và điều này thì quá rủi ro.
Linh không nói bạn hãy ngay lập tức thay đổi 180 độ cách tiếp cận của mình. Nhưng hãy để Linh, cùng bạn quay trở lại những bình minh xa xưa của thế giới, trong không tới 1001 câu chuyện của các “thiểu số” sáng tạo, ít hơn thế rất nhiều…
Nhưng biết đâu khi hiểu hơn về những câu chuyện này, bạn sẽ có những chiêm nghiệm khác?
Và nào, mời bạn cùng Linh ngược lại với cỗ máy thời gian…
Từ đốm lửa đầu tiên
Khoảng những năm 1400, Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha từng có lần yêu cầu mọi người tìm cách dựng quả trứng đứng thẳng trên một đầu của nó mà không được dùng cái gì kê ở dưới. Trong khi tất cả các vị quan đang vò đầu bứt tóc thì một thủy thủ trẻ bước đến, đập vỡ một đầu quả trứng và dựng nó lên một cách nhẹ nhàng. Tất nhiên, ruột trứng chảy hết ra và các quan thì vô cùng tức giận.
Nhưng Nữ hoàng thì không. Người chưa bao giờ nói rằng không được đập vỡ trứng, còn các quan thì “mặc định” như thế.
Và Christopher Columbus – một thủy thủ, bằng cách nghĩ bên ngoài chiếc hộp (lần này có lẽ là bên ngoài cái vỏ trứng), đã giải quyết được vấn đề: Ông được Nữ hoàng cung cấp tàu và tiền để bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình. Trong khi tất cả mọi người lúc đó còn khẳng định thể nào rồi ông cũng đi đến “rìa” thế giới và rơi tõm ra ngoài, thì Columbus đã lên tàu đi vòng quanh thế giới đồng thời vĩnh viễn đi vào lịch sử nhân loại.
Khi Galileo Galilei một lần nữa lên tiếng ủng hộ Thuyết Nhật tâm của Nicolaus Copernicus trước Giáo hội, ông liền bị coi là kẻ tà đạo, dám chống lại chân lý của Thánh Kinh và chịu cảnh tù đày. Nhưng thời gian đã chứng minh ông là một nhà bác học vĩ đại.
Giữa lúc định kiến về phân biện chủng tộc vẫn còn phổ biến trong xã hội Mỹ, Abraham Lincoln xuất hiện táo bạo với cương lĩnh xóa bỏ chế độ nô lệ và trở thành Tổng thống thứ 16. Năm năm sau, ở lần đắc cử thứ hai- khi cuộc nội chiến Bắc Nam vừa kết thúc, ông bị kẻ thù ám sát. Tuy vậy sự dấn thân của Abraham Lincoln đã đủ để không chỉ người Mỹ mà cả thế giới phải ngưỡng mộ ông như một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ…
Họ là những ví dụ đầu tiên về lớp người tiên phong, dám suy nghĩ vượt ra khỏi cái hộp (out of the box thinking), vượt ra khỏi giới hạn của định kiến thông thường. Họ chứng minh một cách rõ ràng, không phải lúc nào đa số cũng tạo nên lịch sử. Và ngược lại, đôi khi chính những cá nhân quả cảm dám bảo vệ lý tưởng của mình trước số đông lại là động lực đưa xã hội tiến lên.
Cho tới “suối nguồn”
Trong “Một nghiên cứu về Lịch sử” (A Study of History), Arnord J. Toynbee đã nhắc đến những người góp phần vào nền văn minh như một số ít những người sáng tạo, một nhóm nhỏ với tên gọi thiểu số sáng tạo. Bất chấp những phản đối và ngờ vực của đám đông, thiểu số sáng tạo càng ngày càng tiến lên và trở thành những người dẫn dắt xã hội.
Họ có thể không đại diện cho đa số, nhưng nhóm nhỏ “thiểu số” này cũng đã không dừng lại ở Columbus, Galileo hay Lincoln. Linh sẽ không kể lại chi tiết câu chuyện cuộc đời của từng “thiểu số” ở đây, vì bạn đơn giản bằng một click chuột có thể có toàn bộ tiểu sử và hành trình của họ. Nhưng những cái tên này, có lẽ họ cũng đủ điển hình tới mức, chỉ cần một dòng gợi nhớ ngắn gọn như vậy.
Trước khi phát minh ra bóng đèn dây tóc “thắp sáng cả thế giới”, Thomas Edison từng bị đuổi học vì thầy giáo cho rằng “học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”;
Hai anh em nhà Wright tiếp tục chứng minh họ không “lập dị” khi đáp chuyến máy bay đầu tiên của loài người;
Bất chấp việc các ngân hàng từ chối cấp vốn cho kế hoạch “điên rồ” của mình, Henry Ford vẫn sản xuất ra chiếc ô tô động cơ đốt trong đầu tiên trên thế giới;
Và Steve Jobs, con người với tư duy dường như ngược lại lối mòn thông thường, kẻ chấp nhận “thả làm hải tặc còn hơn làm hải quân” cuối cùng cũng đã để lại cho thế giới những “di sản” với Apple, Pixar… mà giờ đây vẫn đang được tiếp nối;
Ngay cả Nhân vật của Thế kỷ XX theo bình chọn của Tạp chí Times – Albert Einstein cũng thừa nhận: “Tôi đích thực là một kẻ ‘thu mình’, kẻ chưa bao giờ hoàn toàn thuộc về nhà nước, quê hương, bạn bè… Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên và vô tư, nhưng bù vào đó, anh ta lại luôn độc lập trước những quan điểm, thói quen và sự phán xét của người khác, và không để mình dễ bị chao đảo trên cái nền tảng không lấy gì làm vững chắc đó.”
Dù sự thật, không ít người trong số những thiểu số này, đã phải trả giá khi lựa chọn đi theo những tư tưởng khác biệt, khác với đám đông của mình. Nhưng chính nhờ họ, bánh xe lịch sử đã được mở ra, cao hơn, xa hơn, rộng hơn với những chiều kích mới.
Còn hôm nay?
Chúng ta vẫn có những sản phẩm tuyệt vời, vĩ đại trên nhiều ngành nghề. Nhưng sẽ không khó để thấy những đoạn reel 3 giây “thống trị” khắp mọi nơi hay những mẩu thông tin như dưới đây – cũng được đem “show” lên trên các nền tảng và được gọi là “Nội dung”?!?
Đôi khi Linh tự hỏi, những người tạo ra những “sản phẩm” như thế này, họ có thực sự suy nghĩ, khi đăng tải? Hoặc lần cuối mà họ thực sự suy nghĩ, là khi nào?
Lần cuối bạn thực sự dành thời gian để suy nghĩ, là khi nào?
Và bạn định tạo ra giá trị, định cạnh tranh ra sao, định lấy điều gì để đại diện cho mình, với những sản phẩm kiểu như vậy?
Linh cũng cứ nghĩ mãi về điều này. Lựa chọn làm một điều gì đó hời hợt, nhanh chóng, thì dễ dàng hơn quay quắt rất nhiều. Nhưng thế giới đã đủ những sản phẩm “rác” như vậy hay chưa hay còn cần ta tạo thêm? Những thứ này, nhắc Linh nhớ về chia sẻ của Tor Myhren, Phó chủ tịch Marketing của Apple. Ông từng nói:
“Nước Mỹ không thực sự sản xuất ra các sản phẩm vật lý. Nước Mỹ không thể cạnh tranh bằng giá cả, hay bằng chi phí nhân công rẻ. Nước Mỹ không phải một quốc gia của sản xuất. Chúng ta là quốc gia của ý tưởng. Và ý tưởng, sẽ luôn là vua”.
Tor đâu có nói sai. Điện thoại Apple được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc, chứ không phải Mỹ. Hamburger McDonald được làm từ thịt bò Úc 100%. Nguyên liệu sản xuất Coca Cola đến từ Brazil, Ấn Độ và Mexico. Dù cả ba thương hiệu Apple, McDonald và Coca Cola đều là những thương hiệu của Mỹ.
Và ở một trong những cường quốc hàng đầu thế giới với rất nhiều lợi thế cạnh tranh, họ còn tự cảnh báo chính mình như vậy, thì chúng ta ở lần tới – có nên thay vì tiếp tục tạo ra những sản phẩm “vô thưởng vô phạt”tẻ nhạt”; Thì dừng lại, và đau đáu nghĩ về giá trị mà mình có thể mang lại từ những ý tưởng, đâu đó cố gắng khác đi – hoặc thậm chí điên rồ cũng được, của mình?
Biết đâu bằng những nỗ lực có lẽ vẫn “thiểu số” ấy, thế giới sẽ tiếp tục thay đổi– Theo hướng tốt đẹp hơn như Steve Jobs từng nói!
“Họ điên khùng. Nổi loạn. Chuyên gây rắc rối. Họ giống như nồi tròn vung méo và nhìn mọi thứ khác lẽ thông thường. Họ ghét nguyên tắc và làm đảo lộn hiện trạng. Bạn có thể bất đồng với họ, vinh danh hay căm thù họ. Nhưng bạn không thể không chú ý đến họ. Bởi họ thay đổi và đưa nhân loại tiến lên phía trước. Trong khi họ bị coi là những kẻ điên, chúng tôi lại thấy ở đó những thiên tài. Bởi những người đủ điên để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới chính là những người làm được điều đó”.
Bạn, là thiểu số hay đa số?
PS: Bài viết, từ một người cũng hay viết những nội dung, khác với đa số. Một người thi thoảng cũng nhận hiểu lầm và tổn thương vì sự “khác người” của mình. (Người mà khi kết thúc EP số này, dẫu sao vẫn đang mỉm cười nhấn nút “Publish” 🙂 ).
Linh Đàm
—————————————————–
Bài viết thuộc Series What Matters – Lên sóng định kỳ vào 9PM thứ Tư, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, chia sẻ các câu chuyện Marketing, Nghệ thuật, Cuộc sống tới 30.000 độc giả. Chuyên mục do Ekip Linhdam.Co ra mắt ngày 01.02.2023- dự án đặc biệt của Blog từ 2023. Chào đón chia sẻ của độc giả.
Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu tham khảo về dịch vụ hoặc cơ hội hợp tác với Linh, vui lòng tham khảo tại đây.
Bài viết gốc: Thiểu số sáng tạo: Họ có “điên” thật không? – CafeBiz
Thank you for your supportive comment. I will review and update it for the better. Have a nice day and hope to see you again at linhdam.co