Art

Henri Matisse: Mọi khổ đau đều dịu lại

“Matisse không có khát vọng cứu rỗi ai. Nhưng ông nhắc đi nhắc lại rằng mình muốn tạo ra những tác phẩm đẹp êm ái đến mức khi người ta nhìn thấy chúng, mọi nỗi khổ đau đều dịu đi.”

Elaine Scarry

Đó là một buổi chiều muộn, khi đang ngồi chờ trong phòng khám, tôi bất giác rời điện thoại nhìn lên, thì trước mặt là bức tranh chép của Henri Matisse: La Musique. Nhưng vô thức, tôi cứ đăm đắm vào bức tranh và trở nên nhẹ nhõm.

Dù nỗi băn khoăn cũng xao lên trong lòng, rằng từ bao giờ, những thứ tưởng ít liên quan đến cuộc sống của mình như nghệ thuật lại trở nên thân quen. Chắc chắn phải có một lý do gì đó, như Earnest Hemingway hay nói: “Để có thể viết về cuộc đời, trước tiên bạn cần sống nó đã”.

La blouse roumaine", Henri Matisse, 1940. Centre Pompidou… | Flickr

Có phải, thay vì cứ mải miết viết về cuộc đời, và phản ánh nó trong công việc, một mặt cần tỉnh táo, một mặt đòi hỏi sáng tạo…; Thì tôi cũng đã thực sự sống cuộc đời ấy, qua chính những lúc đắm mình trong thế giới của Van Gogh, Gustav Klimt, Edward Hopper… và giờ là Henri Matisse.

Henri Matisse: 'Is Not Love the Origin of All Creation?' - ArtReview

Tất cả bồi đắp thành những trải nghiệm. Để rồi những trải nghiệm một lần nữa, phản ánh trong những thứ tôi làm.

Tự dưng tôi muốn mỉm cười, ngoài cửa kính, màn đêm vừa buông. Khung cảnh thành phố một tối mùa đông, giữa những năm Covid có phần phẳng lặng… Nhưng hình ảnh hai thiếu nữ với gương mặt hạnh phúc nhẹ nhõm trong “La Musique” của Henri Matisse cứ như có điều muốn nói. Hay chính Henri Matisse muốn nói, rằng dù Covid thì cuộc sống vẫn đẹp đẽ theo cách riêng nó, nếu bạn thực sự chú tâm.

Lúc ấy, thay vì muốn, tôi đã thực sự mỉm cười.

“Một người Pháp từ trong gốc”

“Đừng cố gắng để trở nên nguyên bản. Hãy đơn giản. Hãy giỏi kỹ thuật, và nếu có điều gì (đặc biệt) trong bạn, nó sẽ tự xuất hiện”.

Henri Matisse

Self Portrait Painting by Henri Matisse

Cũng giống như nhiều người ngoại đạo, tôi ít để ý đến Henri Matisse. Những cái tên có vẻ là tượng đài sẽ được mọi người nhắc đến nhiều như Leonardo Da Vinci, Van Gogh, Picasso, hay thậm chí là Gustav Klimt… nhưng Henri thì ít ỏi hơn nhiều. Mặc dù vậy, tới hiện tại, Matisse đã được ghi nhận như một trong những tượng đại lớn nhất của hội họa hiện đại Pháp, ngang hàng cùng Picasso, dù khởi đầu của Matisse lại là một lĩnh vực không mấy liên quan: Luật.

Trong những ngày tháng ốm bệnh khi còn đang là một nhân viên Luật, Henri đã vô tình tìm đến hội họa để… giết thời giờ. Nhưng đó cũng là lúc ông tìm ra đam mê của mình, khi hội họa mở ra một thế giới khác với ông. Và cũng từ đó, Henri Matisse quyết định tiếp cận nghiêm túc với hội họa bằng cách theo học chính thức ở đại học Mỹ thuật.

Henri Matisse (1869-1954), Le guitariste debout, 1903 - Alain.R.Truong

Theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp, các tác phẩm của Matisse mạnh về màu sắc, rực rỡ tạo cường độ khi nhìn, sử dụng nhiều yếu tố phương Đông với ngôn ngữ tạo hình giản dị, mộc mạc, trong sáng và hồn nhiên. Tranh của Matisse khiến người xem luôn thấy sự thư giãn, thoải mái và đầy xúc cảm. Cái tên “Dã thú” ra đời từ đây, mở đầu cho một xu hướng nghệ thuật chống lại trường phái ấn tượng, chống lại sự thiếu hụt về mặt không gian do dùng quá nhiều ánh sáng, cùng với sự phân tích tỉ mỉ, không theo quy luật nào và đó là sự ngẫu nhiên, không có suy tính trước.

Đặc trưng hội họa phái Dã thú là ở cách sử dụng màu sắc mạnh bạo và cách tạo hình thoát ly khỏi tư tưởng kinh viện. Về màu sắc, đó là sự nổi loạn với những sắc đỏ, xanh cobalt, xanh lá cây, vàng nguyên chất rực rỡ. Chủ nghĩa Dã thú đẩy mạnh vai trò của màu sắc, dùng màu với cường độ cao nhất để tạo ra sức mạnh biểu cảm. 

Về tạo hình, hội họa Dã thú không còn lệ thuộc triệt để vào nguyên tắc giải phẫu, vào phối cảnh, vào tỉ lệ thực và tả chân, thậm chí đôi khi cả sự hợp lý của ánh sáng mà chủ trương giải phóng hình thức bằng những nét bút mạnh mẽ, kích động và dữ dằn; đơn giản hóa đường nét để tìm kiếm cá tính, bộc lộ tối đa tình cảm của họa sĩ. Những tìm tòi của các họa sĩ phái Dã thú chính là tiền đề cho sự ra đời của nghệ thuật Lập thể và Trừu tượng sau này.

Sau này, công chúng đánh giá Matisse như hiện thân cao nhất của truyền thống Pháp. Ngay cả người Mỹ cũng nói “Matisse là một người Pháp từ gốc”.

Henri Matisse K 1st Grade - Lessons - Blendspace

Với Matisse, nghệ thuật không phải là nhà tù và người nghệ sĩ không nên là tù nhân của một phong cách hay một trường phái cố định nào. Do đó, các sáng tác của ông rất đa dạng, và không chỉ bó hẹp trong hội họa không thôi mà còn cả điêu khắc, trang trí, thiết kế, minh họa…

Nhưng những sáng tác của Matisse, có đơn thuần chỉ mang lại những thể hiện rực rỡ, khoáng đạt?

Khổ đau có dịu lại bởi “Dã thú”?

“Sự lạc quan của Matisse là món quà vô giá cho thế giới bệnh tật của chúng ta”

Người dân Aragon, phía Bắc Tây Ban Nha

Chiều nay, một cô bạn Đại học của tôi chia sẻ câu quote trong Đồi gió hú “Tôi tự nhắc bản thân mình phải thở – cũng như là nhắc trái tim mình phải đập”. Tự nhiên tôi nhận ra, bao nhiêu năm qua, tôi sống tỉnh táo, lý trí, nhưng trái tim cũng đồng thời chưa bao giờ thôi rung động. Và mỗi lần chạm vào thế giới của những điều đẹp đẽ, dường như nó lại càng đập mạnh mẽ hơn. Cứ như thế, mọi thứ càng dẫn dắt tôi đi sâu hơn nữa trong hành trình trở về với con người bên trong của mình nhiều hơn biết bao nhiêu.

Cũng như Picasso, Matisse đã định hình lại cái nhìn và sự thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Định nghĩ về cái đẹp chưa bao giờ trở nên đa chiều và rộng mở như thế. Matisse nói về cách sử dụng màu sắc: “Khi tôi tô màu xanh lá cây, không có nghĩa là tôi định vẽ cỏ. Khi tôi tô màu xanh lơ, không có nghĩa là tôi vẽ bầu trời.” Đúng vậy, khi Matisse tô màu xanh lá cây, cái ông định vẽ chính là… màu xanh lá cây, hay nói cách khác, cảm nhận của ông về màu xanh lá cây. Hoặc như căn phòng màu đỏ dưới đây, cái Henri muốn lột tả- là màu đỏ chứ thực tế studio đó của Matisse không hề có màu đỏ.

Henri Matisse. The Red Studio. Issy-les-Moulineaux, fall 1911 | MoMA

Tất nhiên, không phải bức vẽ nào của Henri Matisse cũng ngay lập tức khiến người xem thấy đẹp. Nhiều bức vẽ vẫn hiện lên nỗi dằn vặt về thế giới đang sống, nhưng đồng thời, Matisse vẫn khiến cho nỗi dằn vặt về cuộc sống ấy dịu đi. Đúng như Elaine Scarry đã nhận xét trong cuốn Về vẻ đẹp và sự công bằng: “Matisse không có khát vọng cứu rỗi ai. Nhưng ông nhắc đi nhắc lại rằng mình muốn tạo ra những tác phẩm đẹp êm ái đến mức khi người ta nhìn thấy chúng, mọi nỗi khổ đau đều dịu đi.”

Henri Matisse | Fauvist painter / sculptor | Tutt'Art@ | Pittura • Scultura  • Poesia • Musica

Ước mơ của tôi là thứ nghệ thuật của sự cân bằng.

Henri Matisse

Bên cạnh là một họa sĩ, Henri cũng là một nghệ sĩ với những quan điểm xoáy sâu vào đời sống tinh thần con người một cách.. triệt học. Ông từng nói: Ban đầu, bạn phải chịu ảnh hưởng và hòa quyện cùng thiên nhiên. Bạn phải có khả năng đi vững chắc trên mặt đất trước khi bạn bắt đầu đi trên dây.” Hội họa của Henri lấy cảm hứng rất nhiều từ thiên nhiên, và tự trong ông cảm nhận trở về với thiên nhiên là con đường tuyệt vời của hội họa nói riêng và đời sống của con người nói chung. Đó là cái gốc cội của chúng ta. Chúng ta tự chữa lành trong thiên nhiên. 

View of Saint Tropez, 1904 - Henri Matisse - WikiArt.org

Nhưng trên cả thiên nhiên, thứ quyến rũ hơn cả trong tranh của Matisse chính là con người, và con người giữa thiên nhiên. Ngập tràn trong các tác phẩm của Henri là hình tượng người phụ nữ khỏa thân, với những cử động và đường cong tự do di chuyển trong không gian, việc của Matisse là say mê và phản ảnh chúng qua hội họa, đồng thời đem đến cho những chủ thể ấy, hơi thở mới.

Large Reclining Nude (The Pink Nude), 1935

Với người họa sĩ thực sự sáng tạo, không gì khó khăn hơn việc vẽ một đóa hồng, bởi trước khi vẽ, đầu tiên anh ta phải quên đi tất cả các đóa hồng đã từng được vẽ.

Henri Matisse

Portrait of Yvonne Landsberg 1914 by Henri Matisse | Matisse paintings,  Henri matisse, Matisse art

Sự tự do của Henri được phản ảnh qua không ít những tác phẩm điển hình như bức “La Dance” của ông. Quan điểm này cũng từng được Matisse nhấn mạnh: “Một nghệ sĩ không bao giờ phải là một tù nhân. Tù nhân? Một nghệ sĩ không bao giờ nên là tù nhân của chính mình, tù nhân phong cách, tù nhân danh tiếng, tù nhân thành công,…” Khi vứt ra ngoài thân tâm những định nghĩa đó, anh ta hoàn toàn được giải phóng. Anh ta giải phóng chính mình. 

Matisse in All His Glory: New Tome Chronicles the Artist's Work at the  Barnes Foundation – ARTnews.com

Từ năm 1944, Henri Matisse viết cuốn “Jazz” trong đó trình bày các ý kiến của ông về nghệ thuật và đời sống cùng với các bản minh họa bằng màu rực rỡ, dùng một kỹ thuật mà ông gọi là “vẽ bằng kéo” hay “cắt thẳng vào màu sắc”- những kỹ thuật sau này truyền cảm hứng cho các xu hướng cut out phổ biến trên Pinterest sau này. Người nghệ sĩ tiên phong của trào lưu Dã thú năm nào giờ thả mình trong nghệ thuật để một lần nữa quên đi những cơn đau tim như chàng nhân viên luật năm nào.

Cho tới những ngày cuối cùng, gười nghệ sĩ đã làm việc trên chiếc xe lăn của mình và sử dụng kỹ thuật cắt màu trên nhiều thiết kế cho nhà nguyện. Matisse qua đời vào ngày 3 tháng 11 năm 1954, sau một cơn ốm ngắn. Nhưng tác phẩm của ông thì đã mãi mãi trở thành lịch sử.

Thứ lịch sử được gìn giữ cẩn thận trong nhiều bộ sưu tập cá nhân lẫn tại các bảo tàng lớn nhất khắp thế giới.

—————————-

Ồ, khi viết tới những dòng cuối, tự nhiên tôi muốn nghe Mystery of Love và thả mình vào những thước phim của “Call me by your name” ghê. Trong đó có những đoạn lyrics:

How much sorrow can I take?
Blackbird on my shoulder
And what difference does it make
When this love is over?

Chắc là nếu xem Matisse, ta có thể nhận thêm một chút nỗi buồn, phải không?

Còn bạn thì sao, xem Matisse có làm bạn dịu đi?

Linh Đàm

—————————————————–

Bài viết thuộc bản quyền Linhdam.Co. Chào đón chia sẻ của độc giả.

Riêng với chia sẻ vì mục đích thương mại, đăng bài trên báo mà chưa có sự đồng ý của tác giả là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Quý đối tác/bạn đọc có nhu cầu liên hệ với Linh về bản quyền, cơ hội hợp tác, hoạt động thương mại, vui lòng email tới info@linhdam.co hoặc linhngocdam@gmail.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��