Life

Thái Tuấn Chí: “Gấm, đẹp và thơ”

Ẩn sâu bên dưới lớp tư duy sắc sảo của các doanh nhân là những hoài cảm mênh mang về bản ngã, về con người, về cuộc đời…

Thái Tuấn Chí: “Khi trời tối, chỉ có một mình trong phòng, tôi dễ sáng tạo nhiều cái mới”

LTS: “Những người làm chủ số 1 Việt Nam” là dự án sách của tác giả trẻ Đàm Linh viết về những doanh nhân với sự nghiệp kinh doanh đồ sộ, được xã hội tôn vinh. Nhưng không chỉ khiến người ta ngưỡng mộ bằng những con số, những dấu mốc thành công trong kinh doanh, những góc nhìn, cách tư duy về cuộc sống của họ cũng để lại nhiều điều thú vị… Nhân dịp Đầu tư Chứng khoán ra mắt chuyên mục mới “Nhịp sống doanh nhân”, tác giả sẽ chia sẻ với độc giả những cảm nhận về một góc khác, lặng lẽ và sâu lắng hơn của các doanh nhân hàng đầu, bên cạnh ‘cuộc chiến’ trên thương trường bề bộn và khắc nghiệt.

Một ngày Sài Gòn như bao ngày. Những chiếc xe máy, ô tô vẫn nối đuôi nhau tấp nập, thành phố một thời được coi như “hòn ngọc Viễn Đông” giờ là mảnh đất cho những tòa cao ốc đua nhau mọc lên, nhưng cũng là nơi quy tụ của không ít người lao động miệt mài bên gánh hàng rong hay bên xấp vé số.

Hôm ấy, tôi vừa kết thúc buổi phỏng vấn ba tiếng đồng hồ với Thái Tuấn Chí – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Tuấn. Và thật lòng, tôi vẫn thấy quá đỗi bâng khuâng khi trở về từ cuộc trò chuyện với anh. Hóa ra, thế giới kinh doanh không khô khan và đơn điệu như tôi tưởng. Hóa ra, ẩn sâu bên dưới lớp tư duy sắc sảo của các doanh nhân, còn là những hoài cảm mênh mang về bản ngã, về con người, về cuộc đời…

“Tầm sư học đạo”

Dù anh vẫn khiêm tốn nói với tôi rằng “câu chuyện của anh nhiều phần đã cũ”, kỳ lạ, tôi cứ luôn nghĩ sức sống của nó – sức sống của những câu chuyện rất thật ấy, sẽ như những tấm vải mang thương hiệu Thái Tuấn, bền bỉ đi theo năm tháng và thôi thúc không ít người tự viết nên câu chuyện với cái kết hoàn toàn do họ tạo ra…

“Người ta không tốt với mình, đồng nghĩa người ta cũng không tốt với người khác. Và mình cũng không gắn bó cả đời với họ để phải phiền muộn quá nhiều” – Thái Tuấn Chí

Mặc dù vì hoàn cảnh gia đình phải tự lập sớm, không có điều kiện học đại học, nhưng nếu được nghe Thái Tuấn Chí kể về quá trình “tầm sư học đạo” của anh, hẳn không ít người phải trầm trồ. Anh vui vẻ nói với tôi, cái gốc của những thành quả hiện tại bây giờ, phần nhiều tới từ tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi của anh.

Còn nhớ câu chuyện về việc anh nghe được thông tin bên Singapore có một hội thảo với chuyên đề về sự phát triển của Đảo quốc Sư tử, mặc dù thời điểm đó trong nước chưa có phong trào tổ chức hội thảo sôi nổi như bây giờ, anh vẫn quyết định bỏ cả ngàn đô-la sang tham dự… Sau khóa học, anh học được phương pháp áp dụng đồng hồ sinh học vào tổ chức một buổi hội thảo.

Buổi sáng, họ sắp xếp những chuyên gia trình bày nhẹ nhàng, sâu sắc, buổi chiều, ban tổ chức mời đến một diễn giả người Mỹ sôi nổi, khuấy động hội trường và khiến khách tham dự không bị buồn ngủ.

Cuối buổi, Ban tổ chức mời tới nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu với bài trình bày vô cùng hấp dẫn để kết thúc và gây ấn tượng mạnh mẽ với các khán giả.

Sau này về áp dụng, Thái Tuấn Chí cũng tuân thủ việc buổi sáng tập trung các công việc về tư duy, động não nhiều, buổi chiều tập trung cho họp hành, ký tá, trao đổi những cuộc họp nhỏ với đồng nghiệp, đảm bảo công việc vẫn hiệu quả và tận dụng triệt để khoảng thời gian tối ưu trong ngày.

Cũng giống như điều Thái Tuấn Chí đúc kết được sau sáu tháng học ở Nhật Bản, quan điểm của người Nhật là “Khăn khô cũng vắt!”, nghĩa là trong quản lý thì tiết giảm chi phí, trong hoạt động thì phải luôn tư duy, đã làm hết cách chưa, còn cách nào khác không? Hay nói theo cách của Thái Tuấn Chí, trong từ điển của anh không có từ “khó”, chỉ có từ “chưa thể”…

Một phương pháp khác mà Thái Tuấn Chí cũng rất tâm đắc là phương pháp “Tái cấu trúc tư duy”. Trước đây, trong những năm đầu Thái Tuấn mới phát triển, nhiều người nhìn vào rồi đồn đại, Thái Tuấn có Đài Loan “hậu thuẫn”.

Anh bảo, về mặt tâm lý thực sự là rất bực. Mình làm việc “thấy mồ”, làm ngày làm đêm mà lại bị đồn đại như vậy. Tuy nhiên, sau khi “tái cấu trúc tư duy” và nghĩ lại, anh đã tìm ra lý do tại sao mọi người nói anh như vậy.

Các công ty Đài Loan thời gian đó nổi tiếng nhờ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm tốt hơn Việt Nam. Vậy là người ta đang nghĩ anh giỏi, và thay vì buồn phiền, Thái Tuấn Chí lại càng cảm thấy tự hào và có thêm động lực để phấn đấu hơn nữa.

Sau nhiều trải nghiệm và thăng trầm trong cuộc sống, Thái Tuấn Chí rút ra rằng, thời gian của mỗi người trên cuộc đời là vô cùng ngắn ngủi, thay vì buồn phiền, dành thời gian tán gẫu, nói xấu người khác, mình nên dành thời gian quý giá đó để học hỏi, để cảm nhận.

“Người ta không tốt với mình, đồng nghĩa người ta cũng không tốt với người khác. Và mình cũng không gắn bó cả đời với họ để phải phiền muộn quá nhiều”, anh chia sẻ.

 “Trái tim anh còn nóng bỏng”

Những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới nghệ thuật, ít nhiều sẽ có một lòng say mê “nhan sắc”. Điều đó nếu có cũng không quá khó hiểu. Với tò mò của người “ngoại đạo”, tôi đem câu hỏi của mình “giãi bày” với Thái Tuấn Chí, rằng tại sao tôi cứ cảm thấy anh “lãng mạn”? Anh mỉm cười!

“Tuy anh tuổi đã trung niên nhưng trái tim anh còn nóng bỏng. Anh yêu sôi nổi, cuồng nhiệt, đặc biệt với những gì liên quan tới cái đẹp!”

Những ngày đầu khởi nghiệp, để có thể có nhiều ý tưởng mới cho vải gấm, cứ ra đường là cặp mắt Thái Tuấn Chí lại dán chặt vào các cô gái, không phải ngắm các cô mà là ngắm chiếc áo trên người họ, để về nghiên cứu, sáng tạo ra những mẫu mã mới. Có lần đang chạy xe trên đường, anh gặp một cô gái mặc chiếc áo có họa tiết khá lạ mắt. Nhận ra đây là mẫu vải sẽ được ưa chuộng, anh bèn lẽo đẽo đi theo. Cô gái tưởng anh là một “cây si chính hiệu”, lại càng kiêu kỳ ra mặt. Rồi anh cũng theo cô gái về được đến nhà, suýt bị ăn một trận mắng của người đẹp. Nhưng đến khi nghe “mục đích” chạy theo của anh chỉ là “Xin cô cho mượn chiếc áo đang mặc để tôi… nghiên cứu sản phẩm” thì người đẹp bật cười…

Say mê cái đẹp nên dường như Thái Tuấn Chí cũng trẻ hơn cái tuổi “tri thiên mệnh” của mình rất nhiều. Người đàn ông trước mặt tôi đã bước qua tuổi 50, nhưng thần thái từ gương mặt anh toát ra vẻ trẻ trung tràn đầy.

Những ngày trước, Thái Tuấn Chí vẫn mơ mộng làm thơ, sẵn sàng thức trắng đêm để trăn trở với các kế hoạch cho tương lai doanh nghiệp. Nhưng hôm nay, vẫn là anh ngồi với tôi, điềm đạm “thưởng” từng ngụm trà và giảng giải cho tôi về công dụng của nước trà đối với những người hoạt động nhiều về trí óc. Anh mỉm cười ý nhị: “Nếu ngày nào cũng ngủ có 2, 3 tiếng như dạo trước, chắc gì còn sức ngồi với em hôm nay.”

Bất chấp khoảng cách về tuổi tác, tôi phải thú nhận mình đang “ghen tị” với nhân vật chính trong câu chuyện này. Anh có một sự nghiệp thành công và về cuộc sống, anh đang điều khiển nó tương đối tốt, không phải “lao tâm khổ tứ” tới kiệt sức, mà ngược lại Thái Tuấn Chí rất biết cách tận hưởng và cân bằng mọi mặt để làm việc hiệu quả hơn.

Tập yoga đã nhiều năm, mỗi buổi sáng, anh lại dành vài tiếng để khởi động một ngày mới sảng khoái bằng những bài tập đa dạng, phù hợp cho từng tâm trạng khác nhau. Anh cũng hạn chế dùng điện thoại, mọi việc xử lý tập trung và qua thư ký trước. Thời gian rảnh, Thái Tuấn Chí không quên dành cho việc đi biển vào cuối tuần.

Ngoài giải trí bằng nghe nhạc hòa tấu, đọc sách kinh tế, nghiên cứu phong thủy, anh vẫn đều đặn xem phim và xem kịch, đặc biệt thích thú với những thể loại phim hành động của Hồng Kông hay phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc và những vở cải lương sâu lắng như Dạ cổ hoài lang… Qua những bộ phim, vở kịch như thế, anh biết thêm nhiều về văn hóa, lịch sử và con người của cả một dân tộc. Và rồi, nó lại trở thành những lớp trầm tích bồi đắp trên con đường sáng tạo…

“Thế giới là một cuốn sách mở”

Rồi cuộc gặp gỡ nào cũng đến hồi phải khép lại… Ngoài kia, những con đường Sài Gòn vẫn tấp nập và người Sài Gòn cũng vẫn thế, vội vã ngược xuôi với những lo toan thường nhật mà tôi chưa hiểu hết. Chỉ duy nhất một điều khiến tôi an tâm, nếu Thái Tuấn Chí bằng quyết tâm và niềm say mê, cuộc đời nồng nhiệt của anh có thể viết nên câu chuyện về thương hiệu gấm Việt Nam – vừa đẹp vừa nên thơ, thì hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều câu chuyện không kém phần tự hào về những thương hiệu Việt Nam chất lượng, đẳng cấp toàn cầu.

Tại sao không? Bởi thế giới này như một nhà văn nọ đã nói, đúng là một cuốn sách mở kia mà…

Linh Đàm

Bài viết gốc: Thái Tuấn Chí: “Gấm, đẹp và thơ”– Tin nhanh chứng khoán, Tháng 3/2014.

Mời độc giả tìm đọc chi tiết bài viết về nhân vật Giản Tư Trung trong sách: Những người làm chủ số 1 Việt Nam – AlphaBooks- Tháng 12/2013

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ทีเด็��